Tai nạn do chính ý thức của người tham gia giao thông
Vẫn biết rằng, an toàn giao thông (ATGT) là hạnh phúc của mọi nhà, nhưng đối với một bộ phận người dân dường như không chú ý đến sự cảnh báo này. Họ vẫn coi thường tính mạng của chính mình và người khác khi tham gia giao thông. Hiện tượng đi xe hàng ngang trên đường, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, đèo 3 đèo 4, phóng nhanh vượt ẩu vẫn thường xuyên xảy ra trên các tuyến đường. Anh Nguyễn Công Anh, Đội phó Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Trấn Yên khẳng định: "Có tới 75% số vụ va quệt, tai nạn giao thông là do ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành tốt luật giao thông".
Có mặt tại xã vùng cao Kiên Thành, chúng tôi thực sự "choáng", bởi hầu như các chủ phương tiện ở đây không chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Trên các loại xe máy, dù rẻ hay đắt tiền, hễ cứ ngồi trên xe là đầu không mũ, đèo quá số người cho phép, hay thồ hàng cồng kềnh phóng bạt mạng mà không thấy có bóng dáng của lực lượng công an xã kiểm tra.
Còn ở các trường học, chuyện tụ tập trước cổng trường, đi xe hàng ngang trên đường vẫn tồn tại từ lâu, không hiểu những học sinh này nghĩ gì khi vội quên mình đã được học luật giao thông? Ban ngày là thế, đêm xuống là khoảng thời gian dường như dành hẳn cho các nam thanh nữ tú trên các phương tiện của cha mẹ. Họ tha hồ sở hữu chúng, nào là rượu chè đàn đúm, tụ tập nhau đi hàng ngang, rồi kéo ga rú ầm trên đường. Không ít các bậc phụ huynh đã phải chăm sóc con trong viện chỉ vì chiều con, tin tưởng cho con đi xe máy. Đau lòng như vụ tai nạn giao thông tối ngày 4.9.2008 tại xã Nga Quán, cháu Nguyễn Hoài Thương ở khu phố 7, thị trấn Cổ Phúc đã phải lìa xa cuộc sống do tai nạn khi chưa đủ tuổi điều khiển xe máy.
Tai nạn do cơ sở hạ tầng
Huyện Trấn Yên là cửa ngõ của tỉnh Yên Bái, vì vậy có nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ qua địa bàn huyện, đó là chưa kể đến hệ thống giao thông nông thôn với hàng trăm km đường các loại và phần đa là được cứng hóa. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng phục vụ cho giao thông ở Trấn Yên đã và đang bộc lộ nhiều bất cập.
Phần lớn các tuyến đường, cầu ở Trấn Yên được thiết kế xây dựng từ nhiều năm nay theo tiêu chuẩn đường cấp 5, cấp 6 miền núi, tức là mặt đường rộng từ 6,5 - 7,5m, tải trọng từ 8 - 15 tấn, nhưng các con đường đang ngày đêm phải oằn mình để chống chọi với các loại phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là các xe có trọng tải lớn. Bởi thế, sự xuống cấp nhanh chóng của các con đường là lẽ dĩ nhiên.
Tuyến đường Yên Bái - Khe Sang được cứng hóa năm 2000, nhưng đến nay đoạn chạy qua địa phận Trấn Yên đã xuất hiện nhiều chỗ gẫy nứt và ổ gà chưa được sửa chữa. Tại Km12 +200 đoạn thôn Ninh Phúc, xã Nga Quán, chỉ với 3 ổ gà nằm giữa đường là cái bẫy chết người cho những ai chỉ một phút lơ đãng khi tham gia giao thông. Theo những hộ dân sống quanh đây cho biết, trong mấy tháng gần đây, đoạn đường này đã gây ra hàng chục vụ tai nạn giao thông, trong đó làm chết 1 người và bị thương nhiều người khác chỉ vì không tránh được. Cùng tuyến đường này, đoạn chạy qua khu phố 8 thị trấn Cổ Phúc, năm 2007 mới chỉ xuất hiện những ổ gà nhỏ, nhưng do không được sửa chữa kịp thời nên đến nay hàng chục mét mặt đường đã bị phá hủy.
Ông Nguyễn Duy Phúc, khu phố 8, thị trấn Cổ Phúc cho biết: "Vì đường thẳng, đẹp nên mọi người thường đi nhanh và hậu quả là đến đoạn đường này đều "hạ cánh". Những vụ “tự ngã” như thế ở đây xảy ra thường xuyên. Đây chỉ là một trong những tuyến đường đang hiện hữu ở Trấn Yên.
Một nghịch lý nữa, đó là, việc quy hoạch chồng chéo giữa ngành giao thông đường bộ với các ngành chức năng khác, đường vừa làm xong thì lại đào lên để lắp đường ống dẫn nước, đường truyền tín hiệu... Còn tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai lý trình Km 163 + 810 đoạn chạy qua thị trấn Cổ Phúc, từ nhiều năm nay ngành đường sắt đã chôn cột ba – ri - e ngay trên lòng đường. Họ không biết hay cố tình không biết, để bình yên cho mỗi chuyến tầu mà ngành đường sắt đang vi phạm Luật Giao thông đường bộ?
Sự vào cuộc của các ngành chức năng
Không chỉ vào tháng cao điểm ATGT mà công tác tuyên truyền luật giao thông được các ngành chức năng huyện Trấn Yên triển khai đồng bộ từ huyện đến các cơ sở, bằng các biện pháp tuyên truyền cổ động, ký cam kết trong hội viên các đoàn thể chính trị xã hội. Nhưng thực tế, không ít ban ATGT các xã triển khai theo hình thức "đánh trống bỏ dùi" nên hiệu quả được xác định là chưa cao. Mặt khác, do địa bàn rộng, lực lượng tuần tra kiểm soát mỏng nên việc kiểm tra các trục đường chính chưa được triệt để; nhiều xe chở quá trọng tải cho phép mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản rồi cho đi, để lâu sợ lại "tắc đường".
Còn tại các đường liên xã năm thì mười họa" mới tới được, đây cũng là cơ hội cho các đối tượng không chấp hành luật giao thông "nhờn thuốc". Theo tinh thần Nghị quyết 32/CP của Thủ tướng Chính phủ thì lực lượng công an xã được tăng thêm thẩm quyền kiểm tra, xử phạt chủ điều khiển các phương tiện vi phạm luật giao thông trên các tuyến đường liên xã, liên thôn. Nhưng không hiểu sao họ lại không được trích lại tỷ lệ từ kinh phí xử phạt để hoạt động như lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông? Chính vì thế mà đại đa số các xã trong huyện Trấn Yên, lực lượng công an xã chỉ chú trọng vào việc giữ gìn an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội.
Bài toán kiềm chế tai nạn giao thông rất khó giải quyết được nếu các ngành chức năng không nhanh chóng khắc phục và đồng bộ thực hiện tốt các giải pháp giải quyết triệt để những nguyên do trên, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm luật giao thông. Có vậy, tai nạn giao thông mới không còn là quốc nạn như hiện nay.
nguồn baoyenbai.com.vn