ATGT đường thuỷ ở Tiền Giang: Mới dừng ở việc phạt... cho tồn tại

Thứ ba, 08/04/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Trong những năm qua, nhờ triển khai và thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát hoạt động giao thông đường thủy nội địa nên tình hình TNGT trên các tuyến sông ở Tiền Giang đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan. Tuy nhiên, do lưu lượng và mật độ phương tiện hoạt động lớn, trình độ và ý thức của người tham gia giao thông còn thấp, nên nguy cơ mất ATGT ĐTNĐ vẫn còn ở mức cao, nhất là đối với những phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp, đặc biệt là đối với các bến khách ngang sông...

Trong những năm qua, nhờ triển khai và thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát hoạt động giao thông đường thủy nội địa nên tình hình TNGT trên các tuyến sông ở Tiền Giang đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan. Tuy nhiên, do lưu lượng và mật độ phương tiện hoạt động lớn, trình độ và ý thức của người tham gia giao thông còn thấp, nên nguy cơ mất ATGT ĐTNĐ vẫn còn ở mức cao, nhất là đối với những phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp, đặc biệt là đối với các bến khách ngang sông...

Thực trạng: là những nguy cơ tiềm ẩn

Tiền Giang là địa phương có hệ thống sông kênh nhiều vào bậc nhất nhì ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Với chiều dài khoảng 160 km và 173 con sông kênh. Trong đó, đáng chú ý là hai tuyến sông Tiền (từ xã Tân Thanh, huyện Cái Bè đến xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) hiện đã được đưa vào khai thác, quản lý. Số còn lại trên 1400 km thuộc các tuyến kênh rạch nội đồng chủ yếu được sử dụng vào việc sản xuất nông nghiệp và vận tải nhỏ. Với lợi thế tự nhiên khá thuận lợi nên nghề vận tải thủy ở Tiền Giang hình thành sớm và ngày càng được xã hội hoá. Nhiều huyện phía Tây của tỉnh, việc sử dụng phương tiện thủy để đi lại, vận chuyển hàng hoá, sản xuất, kinh doanh rất phổ biến. Đặc biệt, ở nhiều địa phương trong tỉnh việc đi lại của hàng trăm học sinh gắn liền với những chuyến đò ngang, đò dọc. Tuy nhiên, do các sông ở Tiền Giang chủ yếu vẫn ở trạng thái tự nhiên, về mùa mưa lũ, mực nước dâng nhanh, lưu tốc dòng chảy lớn hình thành nhiều khu vực xoáy nước nguy hiểm cho các phương tiện đò ngang, đặc biệt là đối với những chiếc đò không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn kĩ thuật, chở quá tải, người điều khiển không có bằng cấp CCCM.

Theo thống kê, trên các tuyến sông của Tiền Giang hiện có 115 bến khách ngang sông với 210 phương tiện vận chuyển khách. Cụ thể, tuyến sông Tiền có 36 bến với 146 phương tiện; sông kênh Chợ Gạo có 9 bến với 9 phương tiện... Theo Quyết định số 07/2005/QĐ - BGTVT ngày 07/01/2005 của Bộ GTVT ban hành quy chế hoạt động của cảng, bến thủy nội địa, hiện tại trong số 210 phương tiện đò ngang đã được đăng ký hành chính và đăng kiểm trên 62%; 13 bến khách ngang sông đủ điều kiện hoạt động, mới chỉ chiếm 11,3%, một tỷ lệ thấp so với thực tế. Từ thực trạng đó, nên công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm để đảm bảo an toàn trong hoạt động giao thông ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói chung và tại các bến đò ngang nói riêng, luôn được lực lượng CSGT đường thủy, Công an tỉnh quan tâm nhằm ngăn ngừa các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Còn nhiều bất cập trong xử lý vi phạm

Theo đánh giá của đợt Tổng điều tra phương tiện thủy và qua các đợt kiểm tra cho thấy, tình trạng vi phạm Luật GTĐT nội địa đã và đang diễn ra nghiêm trọng. Phổ biến nhất là tình trạng “nhiều không”: phương tiện không đăng kí, đăng kiểm; không trang bị đủ các dụng cụ cứu sinh, cứu nạn, phòng chống cháy nổ; đặc biệt là việc người điều khiển không có bằng, CCCM. Để chấn chỉnh tình trạng trên, lực lượng CSGT đường thủy đã tiến hành kiểm tra hàng chục nghìn lượt phương tiện, qua đó phát hiện hàng trăm phương tiện không đăng kiểm; hàng nghìn phương tiện không đăng kí, đã tiến hành lập biên bản và xử lý hành chính các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm còn gặp rất nhiều bất cập, người dân cố tình vi phạm, nhưng cơ quan chức năng không thể xử lý triệt để được vì đặc thù của loại hình giao thông thủy và không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế cứng rắn. Hầu hết mới chỉ dừng ở mức phạt và để... cho tồn tại, bởi vì không có địa điểm tạm giữ phương tiện hoặc vị trí bốc dỡ hàng hoá, chờ xử lý theo quy định của pháp luật. Qua các vụ vi phạm cho thấy, đáng báo động hiện nay là tình hình ý thức chấp hành Luật của người dân chưa cao, còn mang nặng hình thức. Đặc biệt là tình trạng người điều khiển không có bằng cấp hoặc CCCM cũng như không được học tập pháp luật về giao thông ĐTNĐ ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp mà hiện nay chưa có lời giải.

Thiết nghĩ, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa và đối với các bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sẽ còn nhiều việc phải làm. Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và tài sản, phương tiện, các chủ bến, bãi và những người tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện thủy hãy tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, có như vậy mới tránh được tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Lưu Hùng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)