Tuyến Lấp Vò - Sa Đéc dài 51km, bắt nguồn từ ngã ba sông Tiền đến sông Hậu, đi qua 3 tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang. Đây là tuyến có mật độ phương tiện đi lại trong ngày rất lớn, khoảng 500 phương tiện/ngày, với các đoàn sà lan, tàu tự hành có trọng tải 500 tấn. Tuy nhiên, trong thời gian qua do sự buông lỏng của các cấp chính quyền địa phương, ý thức kém của người dân và các chủ phương tiện đã làm tình hình trật tự ATGT đường thủy trên tuyến đã trở nên phức tạp hơn.
Với chức năng quản lý đảm bảo giao thông trên tuyến, Đoạn Quản lý đường sông số 15 đã cho lắp đặt 85 cột báo hiệu, 10 trụ đèn, 77 phao báo hiệu, 42 báo hiệu cầu… đi qua 21 xã, phường của 3 tỉnh, đảm bảo lưu thông thủy 24/24h.
Tuy nhiên việc va trôi, mất báo hiệu đường thủy cũng đã gây khó khăn không ít cho các đơn vị quản lý đường sông trên tuyến. Trong những năm qua, trên phạm vi quản lý của Trạm quản lý đường sông Lấp Vò đã mất 3 bộ đèn báo hiệu, 2 tháp phao, 3 đèn báo hiệu, chìm 04 phao. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mất mát và hư hỏng là do người điều khiển phương tiện vô tình hay hữu ý để phương tiện đâm vào dẫn đến hỏng đèn báo hiệu, có vụ chìm phao. Nhiều vụ đâm va xảy ra vào ban đêm đã làm cho việc tìm kiếm và trục vớt báo hiệu gặp rất nhiều khó khăn.
Một số ít người dân ở các xã phường ven kênh Lấp Vò - Sa Đéc đã ý thực được việc bảo vệ báo hiệu, đối với các phao và đệm chống va bị đứt xích đã được nhân dân kéo vào bờ và báo cho chính quyền địa phương cùng Trạm quản lý đường sông đến nhận lại như xã Tân Dương - huyện Lai Vung…
Bên cạnh đó tình hình trật tự an toàn giao thông trên tuyến cũng rất khó khăn phức tạp, với nhiều công trình, bến bãi, chướng ngại vật trên kênh. Theo thống kê của Đoạn Quản lý đường sông số 15 trên tuyến có 200 chà cá, 363 nhà sàn, 120 nhà ven sông, 31 bến khách ngang sông, 28 đường dây điện vượt sông, 261 bến thủy nội địa, 29 kè bảo vệ bờ… các chướng ngại vật hầu hết tập trung ở khu vực chợ, thị trấn việc đắp đê nuôi trồng thủy sản cũng rất tùy tiện đã gây ảnh hưởng rất lớn đến ATGT vận tải thủy.
Mặc dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đã có những biện pháp kịp thời ngăn chặn, nhưng trên tuyến vẫn còn nhiều hiện tượng lấn chiếm luồng và hành lang bảo vệ luồng như các bè cá, nhà máy xay xát, trạm thu mua nông sản phương tiện đậu hàng ba, thậm chí có nơi phương tiện đỗ hàng 5.
Một số chủ công trình xây dựng bờ kè bảo vệ bờ đã lấn chiếm bãi bồi, sau khi thi công bờ kè xong, chủ công trình san lấp phần lấn chiếm và cơi nới công trình xây dựng của mình, làm thu hẹp mặt cắt ngang sông.
Có công trình bến bãi không lắp đặt báo hiệu, chưa có giấy phép hoạt động bến thủy, nằm trong hành lang bảo vệ luồng tàu chạy và hành lang bảo vệ đường bộ QL 80 và một số bến nằm ở đoạn cua cong, ngã ba, ngã tư không bảo đảm an toàn. Việc bến khách ngang sông hoạt động không có giấy phép mở bến, thiếu trang thiết bị: cọc bích, nhà chờ, không có báo hiệu diễn ra... như chuyện thuờng ngày.
Hiện tượng neo đậu phương tiện thủy vi phạm an toàn của cầu còn khá phổ biến tại cầu sắt Sa Đéc, Nàng Hai, Vĩnh Thạnh và Lấp Vò. Hiện Đoạn Quản lý đường sông số 15 đã kiến nghị đến các cấp, các ngành tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương duy trì công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông ĐTNĐ đến mọi tầng lớp tham gia giao thông thủy. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những hiện tượng cố tình vi phạm, tái phạm lấn chiếm luồng và hành lang an toàn bảo vệ luồng chạy tầu, đặc biệt tại khu vực cầu, ngã ba, ngã tư, khúc cua.
Để bảo đảm được trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên tuyến kênh Lấp Vò - Sa Đéc trong thời gian tới các cơ quan quản lý giao thông đường thủy chuyên ngành cùng các cấp, các ngành và đặc biệt là chính quyền địa phương cần tăng cường vai trò trách nhiệm, quyền hạn của mình, kiểm tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đảm bảo thực thi đúng Luật Giao thông ĐTNĐ đã quy định.
K.L - V.T