Thanh Hoá có 102km bờ biển và 30 tuyến sông kênh với tổng chiều dài 1.889km trong đó có 21 tuyến kênh có thể khai thác phục vụ giao thông vận tải thuỷ với độ dài 1.170km. Hiện đã công bố và đưa vào quản lý khai thác 16 tuyến sông kênh chính với chiều dài 486,5km, có 6 cửa sông chính đó là: Lạch Càn, Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Ghép, Lạch Bạng.
Thanh Hoá có 102km bờ biển và 30 tuyến sông kênh với tổng chiều dài 1.889km trong đó có 21 tuyến kênh có thể khai thác phục vụ giao thông vận tải thuỷ với độ dài 1.170km. Hiện đã công bố và đưa vào quản lý khai thác 16 tuyến sông kênh chính với chiều dài 486,5km, có 6 cửa sông chính đó là: Lạch Càn, Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Ghép, Lạch Bạng.
Do đặc điểm các tuyến lòng kênh ở Thanh Hoá là nhỏ hẹp, cạn và độ dốc cao. Đã vậy một số tuyến sông, kênh không được đầu tư nạo vét, chủ yếu khai thác tự nhiên đã làm ảnh hưởng đến trật tự ATGT. Trong khi đó các vi phạm làm cản trở luồng tàu thuyền ngày càng xảy ra nhiều, nhất là tình trạng đăng đáy cá trên các sông, khai thác cát, nuôi hải sản, lấn chiếm hành lang ATGT đường thủy còn xảy ra phổ biến tại các tuyến sông Mã, kênh Nga, sông Tào, sông Lèn, sông Trường.
Trong năm qua, thực hiện Nghị định 21 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Giao thông Đường thủy nội địa cũng như quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ, Ban ATGT từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phối hợp với lực lượng CSGT đường thủy đã không ngừng tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến sông trọng yếu giúp các chủ phương tiện thực hiện nghiêm Luật Giao thông ĐTNĐ.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho những người làm nghề “sông nước” để họ nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo đảm ATGT. Phòng CSGT đường thủy cũng đã tham mưu cho các ngành chức năng mở lớp học, cấp giấy chứng chỉ lái đò cho hàng trăm người, cấp phép hoạt động cho 109 bến/215 bến đò khách ngang sông.
Ban ATGT các cấp và Phòng CSGT đường thủy đã triển khai cuộc vận động “Người đi đò mặc áo phao cứu sinh”. Đến nay đã cấp 2.030 áo phao cứu sinh cho 109 phương tiện chở khách qua sông và 398 áo phao cho giáo viên, học sinh vùng lòng hồ sông Mực ở 2 huyện Như Xuân, Như Thanh. Ngoài ra còn có kế hoạch tập huấn lái xuồng máy, tập cứu hộ, cứu nạn cho công an ở các huyện có tuyến sông, kênh.
Do làm tốt công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm nên tình hình ATGT đường thủy nội địa trong thời gian qua được bảo đảm.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều đáng nói đó là vấn đề đăng ký, đăng kiểm các phương tiện thủy nội địa. Theo ông Nguyễn Ngọc Hồi -Giám đốc Sở GTVT cho biết: Hiện tại toàn tỉnh có 1.394 phương tiện vận tải thủy nội địa tương ứng với 44.274 tấn/18.567CV, trong đó phương tiện vận tải có 766 chiếc, chủ yếu là phương tiện có trọng tải dưới 200 tấn, công suất dưới 50CV, phân bố chủ yếu ở các huyện miền xuôi như Hà Trung, Yên Định, Hoằng Hoá, Thiệu Hoá và thành phố Thanh Hoá. Có 1.052 phương tiện thuộc diện phải đăng ký, đăng kiểm nhưng hiện mới có 183 phương tiện đã đăng ký, đăng kiểm (đạt 17,4%).
Phương tiện chở khách ngang sông có 109 chiếc, trong đó số đò ngang đã đăng kiểm 100 chiếc (đạt 92%), số đò ngang đã đăng ký 58 chiếc (đạt 53%). Nhìn chung số lượng phương tiện nhỏ, phương tiện gia dụng đều chưa đăng ký, đăng kiểm (384 chiếc).
Ngoài ra, đa số các phương tiện trên đều thiếu trang thiết bị an toàn như phao cứu sinh, đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng... Đây chính là mối nguy cơ tiềm ẩn gây mất ATGT đường thủy nội địa bất cứ lúc nào. Phần lớn bằng cấp của những người điều khiển phương tiện đều thấp hơn phương tiện mà họ điều khiển.
Ông Trịnh Tuấn Sinh- Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Toàn tỉnh hiện có 1.591 người điều khiển phương tiện thủy nội địa, trong đó có 99/724 thuyền trưởng có bằng, đạt 13,67%. Trong thời gian qua, Sở GTVT đã tổ chức đào tạo và thi cấp giấy phép điều khiển phương tiện ĐTNĐ cho 163/1141 người (đạt tỷ lệ 14,35%). Như vậy số người đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường thủy không có bằng, chứng chỉ rất cao.
Qua tìm hiểu nguyên nhân, là tâm lý không muốn đi học do cơ sở đào tạo ở xa, phần lớn đối tượng hành nghề sông nước còn nghèo, đông con, thủ tục nhập học còn cứng nhắc, bắt buộc người học phải có bằng tốt nghiệp hoặc chứng nhận trình độ văn hoá THCS, THPT là không phù hợp với thực tế, vì những người hành nghề sông nước phần lớn là văn hoá thấp, thậm chí mù chữ. Công tác kiểm tra, kiểm định phương tiện giao thông đường thủy trong thời gian qua còn thấp, gặp nhiều khó khăn. Một phần do ý thức của người dân về vấn đề này còn kém, phần nữa là sự quản lý của các địa phương còn lỏng lẻo.
Trước thực trạng trên và nguy cơ tiềm ẩn mất ATGT trên các tuyến sông, kênh tỉnh Thanh Hóa, rất cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn của các cấp chính quyền tỉnh, các cơ quan chức năng xử lý mạnh tay các chủ phương tiện và người lái không chấp hành việc đăng ký, đăng kiểm và không có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn. Có vậy mới hy vọng lập lại được trật tự ATGT đường thủy, phòng ngừa được TNGT trên các tuyến sông, kênh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Thu Phương - Quang Sinh