Giải quyết ATGT ở TP Hồ Chí Minh: Cần xét đến yếu tố tổng thể về quy hoạch, phát triển đô thị

Thứ năm, 18/10/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tháng 9 vừa qua, tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) tại TP Hồ Chí Minh lại tái diễn, thậm chí còn phức tạp và khó giải quyết hơn trước đây

Tháng 9 vừa qua, tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) tại TP Hồ Chí Minh lại tái diễn, thậm chí còn phức tạp và khó giải quyết hơn trước đây. Để tháo gỡ khó khăn này, đầu tháng 10, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các Sở ban ngành nghiên cứu đề án bố trí lệch ca giờ học và làm việc do Giám đốc Sở GTCC kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT chủ trì làm việc với các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, các ban quản lý, các khu chế xuất, khu công nghiệp để rà soát, cập nhật, hoàn chỉnh đề án góp phần giảm bớt lưu lượng xe trong giờ cao điểm.

Văn bản vừa được ban hành, ngay sau đó, Sở Giáo dục - Đào tạo đã công bố giờ học lệch ca giữa các bậc học từ mầm non đến THPT và sẽ có hiệu lực áp dụng vào ngày 15 trong tháng. Thoạt nhìn cách bố trí lệch giờ học rất hợp lý và phù hợp với tình hình nhưng trên thực tế người tham gia giao thông đâu chỉ có học sinh và sinh viên mà còn nhiều đối tượng khác cũng đi, về trong giờ cao điểm. Đáp lại sự nỗ lực này là nhiều ý kiến phản đối từ các trường cũng như từ các bậc phụ huynh, vì với giờ giấc như vậy không đồng bộ với giờ đi và tan làm của phụ huynh, chưa kể giờ Sở Giáo dục - Đào tạo bố trí lệch nhau đó cũng chỉ chênh lệch từ 15-30 phút và vẫn không nằm ngoài của giờ cao điểm sáng và chiều.

Nói thế không có nghĩa sự bố trí này không thể chấp nhận được, vì thời gian qua UBND quận Tân Bình đã chỉ đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo quận và các trường trên địa bàn bố trí giờ học lệch ca và bước đầu đã có kết quả khả quan. Chưa kể nhiều cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn thành phố cũng đã tự điều tiết giờ làm việc của mình nhằm giảm ách tắc giao thông. Song những việc làm này vẫn mang tính giải pháp tình thế, riêng lẻ chưa có tính đồng bộ và chưa được sự ủng hộ của đa số nhân dân.

Quả thật, trách nhiệm đâu riêng gì Sở Giáo dục - Đào tạo mà còn là của cả xã hội. Đề án lệch ca ở thành phố đã được đề xuất cách đây 4 năm nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua vì đề án mới chỉ dựa trên cơ sở dữ liệu và phân công của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội mà chưa có sự phối hợp từ các cơ quan chức năng khác để nghiên cứu đề án một cách khoa học. Xét trên tổng quan thì cần phải có những khảo sát cùng với đánh giá chi tiết những tác động của việc bố trí lệch ca đến sinh hoạt xã hội và sự ảnh hưởng của nó. Vẫn còn nhiều điều chưa làm được, nhưng nước đến chân thì phải nhảy và đề án này lại được tiếp tục kêu gọi triển khai. Với tư cách là cơ quan chủ trì trong việc phối hợp xây dựng giờ làm việc và học lệch ca, Sở GTCC thành phố đã “chia sẻ” trách nhiệm với các quận, huyện, các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp cùng xây dựng giờ làm việc hợp lý. Nhưng nói cho cùng tính khả thi đến mấy thì giờ làm việc cũng không thể sớm hơn 7h sáng và giờ tan tầm cũng không thể trễ hơn 6h chiều. Chỉ vì hạ tầng giao thông và quy hoạch thiếu tầm nhìn mà làm xáo trộn sinh hoạt của người dân là điều không nên để xảy ra.

Nếu căn cứ theo đúng chức năng chuyên môn thì Sở GTCC là cơ quan phải trình và đề xuất các phương án chống UTGT nhưng đề án mới nhất mà Sở mang ra để đối phó lại được sao chép từ các năm trước và chỉ bổ sung thêm các số liệu cập nhật mới. Đề án quá đơn giản không đưa ra được những giải pháp cơ bản mà chỉ đơn thuần trình bày thực trạng giao thông đang diễn ra trên địa bàn thành phố gây phản cảm cho những cơ quan chức năng liên quan.

Cùng với nỗ lực của Sở GTCC, suốt tháng qua, Chủ tịch UBND thành phố đã liên tục chủ trì các cuộc họp liên quan đến UTGT nhưng xem ra vẫn chưa thể giải quyết được bởi ngoài những nguyên nhân khách quan như các công trình thi công ì ạch chiếm dụng diện tích mặt đường, thiếu bãi đậu xe, đặt biển cấm vô tội vạ, phân luồng chưa hợp lý… còn có nhiều nguyên nhân chủ quan từ phía con người. Không phải cứ ùn đến đâu thì mở đường, đặt đảo phân luồng đến đấy mà phải xét đến yếu tố tổng thể về quy hoạch và phát triển đô thị hợp lý sau khi đã có quy hoạch giao thông.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)