Chở quá tải - “Căn bệnh trầm kha” trên đường thủy
Thứ sáu, 19/09/2008 00:00
Thời gian qua, nhờ triển khai đồng bộ việc tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông ĐTNĐ với công tác kiểm tra, xử lý mạnh các vi phạm nên tình hình trật tự ATGT đường thủy đã đạt được những kết quả khả quan: người tham gia giao thông đã có ý thức chấp hành tốt các qui định của pháp luật về giao thông đường thủy. Mặt khác, cơ sở hạ tầng giao thông ĐTNĐ đã được cải tạo nâng cấp khá tốt, nhiều tuyến ba ca đã được lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu tự động giúp các phương tiện thuỷ đi lại thuận tiện, an toàn.
Thời gian qua, nhờ triển khai đồng bộ việc tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông ĐTNĐ với công tác kiểm tra, xử lý mạnh các vi phạm nên tình hình trật tự ATGT đường thủy đã đạt được những kết quả khả quan: người tham gia giao thông đã có ý thức chấp hành tốt các qui định của pháp luật về giao thông đường thủy. Mặt khác, cơ sở hạ tầng giao thông ĐTNĐ đã được cải tạo nâng cấp khá tốt, nhiều tuyến ba ca đã được lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu tự động giúp các phương tiện thuỷ đi lại thuận tiện, an toàn.
Có thể nói rằng, chở quá tải là “căn bệnh trầm kha” vận tải đường thủy nội địa hiện nay. Ở đâu cũng thấy “thi nhau” chở quá tải, bất kể sông lớn hay sông bé. Tàu càng to, mức độ chở quá tải càng lớn, từ tàu chở than, xi măng, phân bón, đến chở cát, sỏi, đá... thậm chí cả chở người (đò ngang), chẳng có chiếc nào hở mạn khô (phần thân tàu trên vạch kẻ mức trọng tải cho phép). Quá tải gây nên tình trạng “tứ mùa mất an toàn”, thế nhưng vì hám lợi nên các chủ phương tiện chẳng hề quan tâm đến nguy cơ mất an toàn luôn treo lơ lửng trước mũi tàu.
Mặc dù Bộ GTVT đã quy định các phương tiện vận tải đường thủy phải giảm tải về mùa lũ. Thế nhưng, qui định đó hầu như chưa được các chủ phương tiện thực hiện. Vì vậy trên các tuyến sông, tình trạng phương tiện chở quá tải cứ ngang nhiên tiếp diễn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp gây ra tai nạn giao thông đường thủy chiếm tỷ lệ cao nhất trong những năm qua. Mức độ thiệt hại do loại tàu chở quá tải gây ra cũng rất lớn, hậu quả của những vụ tai nạn này không chỉ làm thiệt hại về người, tài sản hàng hoá của nhà nước, nhân dân mà còn gây hỏng hoặc phá vỡ kết cấu làm suy yếu, hoặc nữa là làm mất tác dụng của các công trình trên sông, rất khó khắc phục, nhất là đối với các công trình cầu vượt sông, do quán tính lớn, lực đâm va mạnh. Cũng do những phương tiện này là của tư nhân, nên rất khó quản lý cũng như xử lý khi phát hiện vi phạm. Ngoài việc chở quá tải, hầu hết các phương tiện này đều đã cũ nát, xập xệ, không có hoặc thiếu các trang bị an toàn; không có đăng ký, đăng kiểm, hoặc có nhưng đã quá hạn. Mặt khác, việc hành nghề trên sông theo kiểu “cha truyền con nối” đã dẫn tới tình trạng người điều khiển không có bằng, chứng chỉ chuyên môn còn tồn tại khá nhiều. Điều đó dẫn tới việc không thể xử lý được các tình huống xấu trong quá trình vận hành trên sông. Đặc biệt là khi điều khiển phương tiện qua các vị trí giao thông trọng điểm, các vị trí cầu vượt sông xung yếu.
Để chữa “căn bệnh” quá tải, góp phần làm giảm tai nạn GTĐT, nhất là về mùa mưa lũ. Trước hết, về bến, cảng thủy nội địa: Lực lượng Cảng vụ cần kiểm tra chặt chẽ các phương tiện khi vào nhận, trả hàng, yêu cầu phải dỡ phần hàng quá tải và kiên quyết không cho phương tiện quá tải rời bến, hoặc vào bến. Lực lượng Thanh tra giao thông ĐTNĐ, Cảnh sát GTĐT, chính quyền địa phương sở tại kiểm tra thường xuyên các bến, bãi bốc xếp hàng hóa, nhất là những bến khai thác, kinh doanh cát, sỏi... Rà soát lại cảng, bến nào không đủ tiêu chuẩn, kiên quyết không cho hoạt động. Ngoài ra, các đơn vị Quản lý Đường sông thường xuyên thông báo đến các chủ và người điều khiển phương tiện về tình hình tuyến, luồng chạy tàu, các vị trí neo đậu tránh bão, lũ. Kiểm tra, phát hiện kịp thời và đề xuất biện pháp xử lý nghiêm đối với các tàu khai thác cát vi phạm luồng chạy tàu, thuyền, dẹp bỏ đăng, đáy cá gây cản trở giao thông ĐTNĐ, đồng thời cần tăng cường và trang bị đầy đủ hệ thống phao tiêu, biển báo, đèn tín hiệu trên những tuyến sông chính, tuyến ba ca. Đặc biệt là, cần tăng cường phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại những vị trí trọng điểm. Tổ chức trực đảm bảo giao thông 24/24h để kịp thời đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.
Đối với các phương tiện thuỷ khi đi lại trên sông, phải tuân thủ việc giảm tải theo qui định của pháp luật. Phải tuyệt đối chấp hành sự hướng dẫn của đơn vị quản lý đường sông, nhất là khi điều khiển phương tiện qua vị trí cầu vượt sông hoặc các vị trí xung yếu khác. Nếu cảm thấy không an toàn phải hỏi ý kiến của đơn vị QLĐS; của Trạm, Tổ làm nhiệm vụ điều tiết giao thông hoặc đề nghị được hỗ trợ bằng phương tiện cứu hộ để dẫn tàu đi qua cầu, cũng như dẫn phương tiện vào vị trí neo đậu an toàn.
Và một “đơn thuốc” nữa không thể thiếu đó là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông ĐTNĐ cho người tham gia giao thông. Đồng thời, lực lượng CSGT đường thuỷ, thanh tra giao thông cần tăng cường kiểm tra thường xuyên, liên tục các phương tiện vận tải tham gia giao thông và xử lý triệt để tình trạng chở quá tải, tình trạng thiếu các loại giấy tờ, các văn bằng, chứng chỉ của người điều khiển phương tiện cũng như vi phạm các qui định về trang, thiết bị an toàn, như vậy mới có thể phòng ngừa, hạn chế và làm giảm tai nạn giao thông ĐTNĐ trong mùa mưa, lũ.
L.H.M
toan