Hiện nay một số vùng nông thôn tỉnh Sơn La, đã có nhiều sự đổi thay với nhà cửa ngày một khang trang, hầu hết các bản đã có đường ô tô, thuận tiện cho việc đi lại và trao đổi hàng hóa.
Hiện nay một số vùng nông thôn tỉnh Sơn La, đã có nhiều sự đổi thay với nhà cửa ngày một khang trang, hầu hết các bản đã có đường ô tô, thuận tiện cho việc đi lại và trao đổi hàng hóa.
Tuy nhiên, với địa hình miền núi, nhiều đèo dốc hiểm trở, các con đường mới mở đến các bản làng, khu dân cư hầu hết vẫn là đường đất nhỏ hẹp, nhiều cua dốc nguy hiểm, mùa khô thì bụi, mùa mưa bùn lầy đi lại rất vất vả. Nhiều con đường trong bản và liên bản độ dốc cao, nhiều đường nhánh nhỏ hẹp, tầm nhìn hạn chế, thậm chí có con đường chỉ đủ bánh xe lăn... Trong khi hầu hết các gia đình ở vùng nông thôn hiện nay đều sắm được xe gắn máy, không ít nhà có xe ô tô. Theo tính toán sơ bộ, khoảng 70% lượng xe máy hiện đang lưu hành nằm ở địa bàn nông thôn và phần lớn là loại xe chất lượng thấp, giá rẻ; trình độ nhận thức về luật lệ giao thông của người dân còn nhiều hạn chế, do vậy tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Trên thực tế, việc đi lại bằng xe máy ở các vùng nông thôn, nhất là ở các vùng xa xôi, hẻo lánh, vùng cao khá tùy tiện, không có bằng và không đội mũ bảo hiểm ít được quan tâm, nhiều em nhỏ ngồi lên xe chân chưa chạm đất vẫn vi vu đây đó. Nhiều người uống rượu say, nhất là trong dịp lễ tết, cưới hỏi vẫn điều khiển xe máy... đã có không ít vụ tai nạn xe máy xảy ra ở các vùng nông thôn, nhưng hầu hết là tự khắc phục hậu quả theo “lệ làng”.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng do lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên lực lượng chức năng cũng khó bề kiểm soát; trong khi lực lượng công an xã, an ninh bản hiệu lực quản lý còn nhiều hạn chế. Vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên vẫn chủ yếu hô hào chung chung, ít có giải pháp cụ thể...
Để hạn chế tai nạn giao thông ở các vùng nông thôn, nhất là ở các địa bàn khó khăn, hiểm trở, công tác tuyên truyền vẫn phải được đặt lên hàng đầu với các phương pháp, cách làm cụ thể, thiết thực. Có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cơ sở, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể mà nòng cốt là Đoàn thanh niên và các trường học trên địa bàn. Cần giáo dục ý thức chấp hành giao thông và các biện pháp đảm bảo an toàn ngay từ khi các em còn nhỏ. Cùng với đó là tăng cường và phát huy vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nông thôn, trong đó có hệ thống đường giao thông. Tăng cường vai trò của công an xã, an ninh thôn bản và lực lượng chức năng đối với vấn đề an toàn giao thông.
KH