Với việc đẩy mạnh hoạt động ngoại khoá tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT bằng hình ảnh, ngành GD&ĐT Tp. Hà Nội đã và đang góp phần hạn chế tình trạng học sinh vi phạm và TNGT trong năm học 2008 - 2009.
Với việc đẩy mạnh hoạt động ngoại khoá tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT bằng hình ảnh, ngành GD&ĐT Tp. Hà Nội đã và đang góp phần hạn chế tình trạng học sinh vi phạm và TNGT trong năm học 2008 - 2009.
Theo ông Ngô Trí Nam - Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT (Kế hoạch 355/KH-SGD&ĐT), trong năm học này, các trường học đã triển khai hoạt động nội khoá, ngoại khoá tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT theo đúng thực tế tình hình địa bàn. Trong đó, chú trọng phương pháp tuyên truyền bằng tranh ảnh, băng hình phản ánh thực trạng, hành vi vi phạm pháp luật ATGT của học sinh, sinh viên như sử dụng môtô, xe gắn máy tới trường, không đội MBH, chưa có GPLX; đi xe đạp dàn hàng ngang; lạch lách, đánh võng; đi ngược chiều; vượt đèn đỏ...
Các hình ảnh tuyên truyền được lồng ghép với âm thanh, lời thuyết trình để tăng tính hấp dẫn, dễ hiểu đối với học sinh. Đồng thời, các trường còn chủ động đẩy mạnh hoạt động ngoại khoá biểu diễn tiểu phẩm, thi hái hoa dân chủ, đố vui... phù hợp với từng chủ đề, nội dung bài học ATGT. Ngày 1/9, các trường trên địa bàn đã phát động phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", với mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, không để xảy ra vi phạm và TNGT.
Ngay từ đầu năm học, Trường THPT Trần Phú đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT tới học sinh, giáo viên bằng hình ảnh, thông qua máy chiếu. Tranh ảnh tuyên truyền do học sinh tìm kiếm, thu thập trên các phương tiện thông tin đại chúng, sau đó xử lý thành phần mềm tuyên truyền theo chủ đề, có lồng ghép với các loại âm thanh phù hợp.
Trong lúc 2 học sinh phụ trách máy chiếu, 1 học sinh làm nhiệm vụ thuyết trình, phân tích lỗi vi phạm pháp luật ATGT theo từng chủ đề, nội dung hình ảnh chạy trên màn hình. Bố cục bài thuyết trình, học sinh còn lấy ví dụ về tình hình giao thông tại Singapo và Nhật Bản để làm dẫn chứng, so sánh với Việt Nam. Từ đó, đề xuất phương pháp khắc phục, xử lý.
Để nâng cao chất lượng tuyên truyền, trong giờ hoạt động ngoại khoá, học sinh nhà trường còn xây dựng phần mềm vi tính có nội dung đố vui, thông qua các tình huống tham gia giao thông. Kết thúc mỗi tình huống, học sinh nêu hậu quả của các hành vi phạm (như vượt đèn đỏ, trò chuyện khi điều khiển xe máy, tránh vượt sai quy định...) là những vụ TNGT nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tính mạng, gây thiệt hại về tài sản. Các buổi sinh hoạt ngoại khoá còn có các tiết mục biểu diễn văn nghệ với các bài hát chủ đề giao thông, ký cam kết ATGT và công bố "Ban chỉ đạo ATGT trường học".
Ông Nguyễn Hữu Chiệu - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú cho biết: "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT bằng hình ảnh giúp học sinh nhớ lâu, dễ hiểu từ đó nâng cao kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Năm học này, thực hiện công tác đảm ATGT trường học, Ban giám hiệu phối hợp với UBND phường, lực lượng CSGT thành phố và Sở GD&DT tăng cường kiểm tra "đột xuất", tổ chức ghi hình, chụp ảnh các học sinh vi phạm pháp luật ATGT. Đồng thời, triển khai công tác giám sát tại các bãi giữ xe công cộng, phát hiện xử lý kịp thời các học sinh sử dụng môtô, xe gắn máy tới trường, chở quá số người quy định và không có GPLX.
Các trường hợp vi phạm pháp luật ATGT, nhà trường tổ chức nhắc nhở, cảnh cáo vào buổi chào cờ sáng thứ 2 hàng tuần. Sau đó, yêu cầu viết bản kiểm điểm, phê bình trước lớp, đoàn trường và ghi lỗi vi phạm vào sổ học bạ để giáo dục, răn đe. Nhà trường cũng sẽ dùng các bức ảnh, đoạn video học sinh của trường vi phạm pháp luật ATGT để tăng tính giáo dục, răn đe".
Được biết, dịp đầu năm học này, Trường THPT Trần Phú đã xây dựng cụm panô ATGT ngay trước cổng trường.
Theo Bạn đường