Người đi đò chưa quen mặc áo phao

Thứ năm, 28/08/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
 Cuộc vận động "Người đi đò mặc áo phao" đã được triển khai gần 3 năm, số lượng áo phao cấp cho các bến đò cả nước lên đến hơn 27.000 chiếc. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít người đi đò mặc áo phao.

 Cuộc vận động "Người đi đò mặc áo phao" đã được triển khai gần 3 năm, số lượng áo phao cấp cho các bến đò cả nước lên đến hơn 27.000 chiếc. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít người đi đò mặc áo phao. 
 

Lễ phát động cuộc vận động này ở các địa phương diễn ra đều rất rầm rộ với đủ các lực lượng chức năng, băng rôn, biểu ngữ, nhưng sau khi kết thúc, hầu hết áo phao đều được cất trong cabin, hoặc treo trên mũi tàu, không biết đến bao giờ mới có dịp mang ra sử dụng. Thực tế đó đang tồn tại ở nhiều bến đò trên cả nước hiện nay.
 
Theo kết quả kiểm tra của các lực lượng chức năng thì hầu hết chủ đò và hành khách đều không mặc áo phao khi đi đò.
 
Lý giải việc này, những hành khách đi đò đều cho rằng mặc áo phao là bất tiện, nó quá nóng đối với thời tiết ở Việt Nam, vả lại thời gian qua sông chỉ khoảng vài phút, chưa kịp mặc xong thì đã phải cởi ra rồi, cho nên... không mặc.
 
Bến đò Kinh Lũng, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định (đã xảy ra sự cố chìm đò làm 6 người chết trong năm 2005) là một ví dụ.
 
Ông Trần Trọng Hưởng - Phó chủ tịch UBND thị trấn Nam Giang cho biết: "Địa phương đã triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động "Người đi đò mặc áo phao". Hàng năm, chúng tôi đều có 2 đợt yêu cầu các chủ bến đò lên ký cam kết đảm bảo ATGT, kiểm tra nhắc nhở đối với các chủ đò về việc hành khách phải mặc áo phao khi đi đò".
 
Nhưng trên thực tế, khi chúng tôi có mặt tại bến đò Kinh Lũng, quan sát mấy chuyến đò thì thấy tất cả hành khách trên đò đều không mặc áo phao.
 
Ông Nguyễn Quang Sơn - chủ bến đò thôn Kinh Lũng, thị trấn Nam Giang cho biết: "Từ khi chúng tôi được nhận áo phao đến nay đã hơn 1 năm, nhưng khi xuống đò có yêu cầu hành khách mặc thì cũng không ai mặc, mà chủ đò thì không thể bắt hành khách mặc được".
 
Còn ông Đinh Văn Quận - Đội TTGT Đường thuỷ nội địa số 4 cho biết: "Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, song vì chưa có chế tài xử phạt người đi đò không mặc áo phao nên sau khi kiểm tra, nhắc nhở xong thì đâu lại vào đấy".
 
Không chỉ có bến đò Kinh Lũng mà cả ở bến đò Trung Hiếu xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, Hà Nam (bến đò đã được Ban tổ chức Cuộc vận động "Người đi đò mặc áo phao" chọn làm điểm đầu tiên thực hiện), tình trạng hành khách không mặc áo phao khi đi đò diễn ra rất phổ biến.
 
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải có những chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý những người vi phạm giống như đội MBH khi đi xe máy. Chính quyền địa phương, nhất là cấp phường, xã cần phải quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, vận động người dân có ý thức bảo vệ tính mạng của mình mỗi khi tham gia giao thông nói chung và giao thông đường thủy nói riêng.
 
Bên cạnh đó, các phương tiện khi tham gia vận chuyển khách ngang sông cũng cần phải kiểm tra nghiêm ngặt xem có đủ đăng ký, đăng kiểm an toàn kỹ thuật thì mới được vận hành. Người lái đò cũng phải kiên quyết không cho những người không mặc áo phao xuống đò. Có như thế, áo phao mới thực sự có tác dụng đảm bảo ATGT trên những chuyến đò.
 
Minh Phương

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)