Thông tin về Nghị định số 92/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ

Thứ sáu, 13/11/2015 10:39
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nghị định số 92/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về an ninh hàng không

1. Tên văn bản quy phạm pháp luật

Nghị định số 92/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về an ninh hàng không.

2. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 11 năm 2015.

3. Sự cần thiết, mục đích ban hành

Triển khai Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 7 năm 2010 về an ninh hàng không dân dụng (Nghị định số 81/2010/NĐ-CP) và Nghị định số 51/2012/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2010/NĐ-CP về an ninh hàng không dân dụng (Nghị định số 51/2012/NĐ-CP). Theo nội dung quy định của Nghị định số 81/2010/NĐ-CP và Nghị định số 51/2012/NĐ-CP, hệ thống bảo đảm an ninh hàng không đã được triển khai thống nhất: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Chủ tịch nhằm điều phối chung hoạt động bảo đảm an ninh hàng không giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các huyện đảo nơi có cảng hàng không, sân bay. Nghị định số 81/2010/NĐ-CP đã quy định cụ thể về trách nhiệm trong công tác bảo đảm an ninh hàng không của các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị của ngành hàng không. Về chuyên ngành hàng không, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức thiết lập Hệ thống bảo đảm an ninh hàng không thống nhất từ cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp hàng không; lực lượng an ninh hàng không đã được tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện đáp ứng theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), thực hiện nhiệm vụ ngày càng chính quy, chuyên nghiệp; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị an ninh hàng không được quan tâm đầu tư, trang bị. Công tác an ninh hàng không được củng cố và tăng cường. Từ năm 2010 đến nay không có vụ việc nghiêm trọng uy hiếp an ninh hàng không, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay, các công trình cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Hàng không dân dụng năm 2006 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, hơn nữa trong thực tế hoạt động khủng bố, các vụ sự cố, uy hiếp an ninh hàng không trên thế giới trong những năm qua diễn biến phức tạp cụ thể như sau:

- Trong thời gian vừa qua, trong lĩnh vực hàng không dân dụng, đã xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng, thiệt hại lớn về con người, tài sản, gây bất ổn về chính trị, như vụ tấn công khủng bố sân bay Karachi (Pakistan) ngày 08 tháng 6 năm 2014 làm 18 người thiệt mạng; vụ 01 người phụ nữ mang bom lên tàu bay xuất phát từ Trung Quốc ngày 07 tháng 6 năm 2014… Đặc biệt, liên tiếp các vụ việc tai nạn máy bay thảm khốc cả dân sự, quân sự xảy ra ở nhiều quốc gia (vụ máy bay MH370 mất tích tháng 3/2014; vụ máy bay MH17 tại Miền Đông Ukraina; vụ máy bay rơi tại Đài Loan; vụ rơi máy bay của Hãng hàng không Angiêri và mới nhất là vụ máy bay rơi của Hãng hàng không Germanwings…), những vụ việc này là hồi chuông báo động về công tác đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không.

- Nhiều quy định quan trọng mang tính nguyên tắc thiết lập hệ thống bảo đảm an ninh hàng không, xây dựng lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, địa vị pháp lý của nhân viên và hoạt động của nhân viên kiểm soát an ninh hàng không, công tác kiểm soát an ninh nội bộ, an ninh mạng công nghệ thông tin hàng không, kiểm soát chất lượng an ninh hàng không, vai trò, nhiệm vụ của các Bộ, ngành liên quan đối với công tác bảo đảm an ninh hàng không cần phải được luật hoá nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo đảm an ninh hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế.

Do vậy, việc xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 81/2010/NĐ-CP và Nghị định số 51/2012/NĐ-CP là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm triển khai cụ thể nội dung quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2014.

4. Nội dung chủ yếu

a) Nghị định số 92/2015/NĐ-CP gồm 08 Chương, 43 Điều.

b) Các nội dung chủ yếu của Nghị định:

Nghị định này quy định về các biện pháp kiểm soát an ninh hàng không; đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng; lực lượng kiểm soát an ninh hàng không; kết cấu hạ tầng, trang bị, thiết bị và phương tiện bảo đảm an ninh hàng không; kinh phí bảo đảm an ninh hàng không; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác bảo đảm an ninh hàng không.

Đối tượng áp dụng của Nghị định này là tổ chức, cá nhân hoạt động hàng không dân dụng tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động hàng không dân dụng ngoài lãnh thổ Việt Nam nếu pháp luật của nước sở tại không có quy định khác; tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động hàng không dân dụng ở vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

Theo Nghị định, việc bảo vệ an ninh, quốc phòng trong hoạt động hàng không dân dụng được quy định như sau: Các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh, quốc phòng tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại các hoạt động xâm phạm an ninh, quốc phòng tại cảng hàng không, sân bay và các cơ sở của ngành hàng không, bảo đảm an ninh hàng không theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia, quốc phòng, công an nhân dân, phòng, chống khủng bố và pháp luật khác có liên quan; Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình triển khai thực hiện công tác bảo vệ an ninh, quốc phòng theo quy định của pháp luật; Cơ quan công an triển khai các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội, trật tự công cộng tại cảng hàng không, sân bay và các cơ sở của ngành hàng không.

Nghị định cũng bổ sung các nội dung mới so với Nghị định số 81/2010/NĐ-CP và Nghị định số 51/2012/NĐ-CP như sau:

- Bổ sung nội dung quy định về lục soát an ninh hàng không nhằm cụ thể hoá các nội dung lục soát: căn cứ để lục soát, người quyết định việc lục soát, quy trình, cách thức tiến hành lục soát.

- Bổ sung nội dung quy định về lực lượng kiểm soát an ninh hàng không: Nghị định số 81 quy định chỉ người khai thác cảng (doanh nghiệp cảng) tổ chức lực lượng kiểm soát an ninh và bảo đảm an ninh tại cảng hàng không. Tuy nhiên, trong yêu cầu đối với công tác xã hội hoá hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lực lượng kiểm soát an ninh hàng không cho phù hợp.

- Bổ sung nội dung quy định về cấm vận chuyển bằng đường hàng không nhằm cụ thể hoá các trường hợp, đối tượng bị cấm vận chuyển bằng đường hàng không có thời hạn hoặc vĩnh viễn.

- Bổ sung nội dung quy định về việc bố trí nhân viên an ninh đi trên các chuyến bay: Quy định cụ thể chuyến bay có khả năng xảy ra can thiệp bất hợp pháp, khủng bố mới bố trí. Bộ Công an bố trí cán bộ, chiến sĩ công an đi trên các chuyến bay này chứ không phải nhân viên an ninh của các hãng hàng không.

- Bổ sung nội dung quy định về kiểm soát an ninh nội bộ đối với nhân viên hàng không: Quy định nội dung, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị liên quan trong việc kiểm soát an ninh nội bộ đối với nhân viên hàng không như xác minh nhân thân đối với nhân viên hàng không khi tuyển dụng, cấp phép, năng định chuyên môn và định kỳ thực hiện đánh giá đối với nhân viên hàng không. Cơ quan an ninh thuộc Bộ Công an có trách nhiệm kiểm tra nhân thân đối với nhân viên hàng không là người nước ngoài.

- Bổ sung nội dung quy định về bảo vệ thông tin và hệ thống công nghệ thông tin hàng không: Quy định các hệ thống thông tin phải được bảo vệ (Hệ thống quản lý không lưu; hệ thống kiểm soát khởi hành; hệ thống giữ chỗ và làm thủ tục hành khách; hệ thống đối chiếu đồng bộ hành lý với hành khách; hệ thống soi chiếu an ninh; hệ thống thông tin hành khách trước chuyến bay; hệ thống camera giám sát và cảnh báo xâm nhập; hệ thống chỉ huy điều hành, kiểm soát điện văn; hệ thống cơ sở dữ liệu về những vấn đề quan trọng và những hệ thống công nghệ thông tin khác) nếu có sự can thiệp trái phép sẽ gây mất an toàn cho hoạt động hàng không. Hãng hàng không phải bảo mật thông tin cá nhân của hành khách.

- Bổ sung và làm rõ nội dung về kiểm soát chất lượng an ninh hàng không (nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh hàng không): Quy định các hoạt động kiểm soát chất lượng an ninh hàng không để đánh giá việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về bảo đảm an ninh hàng không. Hoạt động kiểm soát chất lượng an ninh hàng không bao gồm: thanh tra; kiểm tra; thử nghiệm; khảo sát; điều tra; đánh giá. Nội dung này được đưa vào Nghị định nhằm bảo đảm triển khai các hoạt động kiểm soát chất lượng an ninh hàng không theo đúng các tiêu chuẩn, quy định của ICAO.

Nghị định còn quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia trong tổ chức thực hiện Nghị định này.

Vụ Pháp chế - Bộ Giao thông vận tải

ĐÁNH GIÁ

Chấm điểm

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)