Thông tin về Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ

Thứ sáu, 13/11/2015 10:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay

1. Tên văn bản quy phạm pháp luật

Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.

2. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 12 năm 2015 và thay thế Nghị định số 83/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.

3. Sự cần thiết, mục đích ban hành

Nghị định số 83/2007/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 25/5/2007, qua thời gian triển khai thực hiện đến nay đã bộc lộ một số vấn đề cần giải quyết, cụ thể:

- Quy hoạch cảng hàng không, sân bay:

Theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, việc quy hoạch cảng hàng không, sân bay giao cho Bộ Giao thông vận tải thực hiện. Tuy nhiên, Nghị định 83/2007/NĐ-CP chưa có quy định chi tiết liên quan đến nội dung, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng cảng hàng không, sân bay ; quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay; trách nhiệm của các cơ quan đối việc lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay.

- Sân bay chuyên dùng, sân bay trực thăng, bãi đáp trực thăng:

Việc phát triển hoạt động hàng không chung là một nhu cầu lớn của xã hội hiện nay. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về vấn đề quản lý đất, việc cho phép mở, quản lý khai thác sân bay chuyên dùng, trong đó có cả sân bay trực thăng, bãi đáp trực thăng, đặc biệt là sân bay theo nhu cầu và thuộc sở hữu riêng của tổ chức như sân bay tại bệnh viện, nhà cao tầng, giàn khoan, sân gôn... Trong khi đó việc quản lý đất, mở, quản lý khai thác các sân bay này mang tính đặc thù riêng, khác với hệ thống mạng cảng hàng không, sân bay được quy hoạch theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chủ yếu do Nhà nước đầu tư và do Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam tổ chức quản lý khai thác.

- Vấn đề quản lý đất đai:

Điều 57 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 thiết lập nguyên tắc riêng cho việc quản lý đất cảng hàng không, sân bay so với quy định của Luật Đất đai; trong khi đó Nghị định 83/2007/NĐ-CP chưa cụ thể hoá nhiều vấn đề như trách nhiệm của các cơ quan trong công tác quản lý đất đai ; công tác giải phóng mặt bằng theo quy hoạch cảng hàng không, sân bay thuộc quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc; việc quản lý mốc giới, hàng rào tại cảng hàng không, sân bay ; quy định đơn giá cho thuê đất, nộp tiền cho thuê đất.

- Trình tự, thủ tục đóng cảng hàng không, sân bay:

Việc đóng cảng hàng không, sân bay là một vấn đề quan trọng, cấp thiết, có thể do nhiều nguyên nhân như mất an toàn, an ninh hàng không, dịch bệnh, khủng bố, an sinh xã hội; thuộc nhiều cấp quyết định. Tuy nhiên, Nghị định 83/2007/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đóng cảng hàng không, sân bay.

Ngoài các vấn đề lớn nêu trên, một số nội dung khác cũng được xem xét, bổ sung, sửa đổi Nghị định 83/2007/NĐ-CP.

Để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và triển khai thực hiện Nghị quyết 45 của Chính phủ về thủ tục hành chính, việc thay thế Nghị định số 83/2007/NĐ-CP là cần thiết trong tình hình hiện nay.

4. Nội dung chủ yếu

a) Nghị định số 102/2015/NĐ-CP gồm 08 Chương, 42 Điều.

b) Các nội dung chủ yếu của Nghị định:

Nghị định này quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam, bao gồm: Nguyên tắc và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan đến quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay; quy hoạch và thực hiện quy hoạch cảng hàng không, sân bay; thủ tục mở, đóng cảng hàng không, sân bay; quản lý hoạt động khai thác tại cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận; sân bay dùng chung dân dụng và quân sự; bán, thế chấp, cho thuê, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất cảng hàng không, sân bay; hoạt động kinh doanh tại cảng hàng không, sân bay.

Đối tượng áp dụng của Quyết định này là tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam.

Theo Nghị định, nguyên tắc quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay là: Bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh, an toàn hàng không. Bảo đảm phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không, sân bay; giữa các cơ quan, đơn vị hàng không dân dụng và quân sự liên quan đến sân bay dùng chung dân dụng và quân sự; Bảo đảm dây chuyền hoạt động cảng hàng không, sân bay thống nhất, đồng bộ, liên tục, hiệu quả. Bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, văn minh, lịch sự, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hàng không dân dụng tại cảng hàng không, sân bay. Bảo vệ trật tự và lợi ích công cộng, lợi ích của khách hàng; bảo vệ môi trường; Bảo đảm sự phát triển đồng bộ hệ thống cảng hàng không, sân bay phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông vận tải, quy hoạch, kế hoạch phát triển cảng hàng không, sân bay, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, địa phương, xu thế phát triển hàng không dân dụng quốc tế và đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải hàng không của Việt Nam; Trong trường hợp cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh, tìm kiếm, cứu nạn, ứng phó thảm họa, thiên tai, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quyết định trưng dụng một phần hoặc toàn bộ kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay có bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Nghị định, quy hoạch cảng hàng không, sân bay, bao gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc; Quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay; Quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng cảng hàng không, sân bay.

Theo Nghị định, yêu cầu về quy hoạch cảng hàng không, sân bay được quy định như sau: Phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hoặc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của vùng, địa phương; Đáp ứng yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh; Đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành hàng không Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển hàng không dân dụng quốc tế; Bảo đảm các yếu tố về địa lý, dân số, phát triển vùng, miền; chính sách sử dụng đất nông nghiệp; bảo vệ môi trường bền vững; Bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả cảng hàng không, sân bay.

Cũng theo Nghị định, kinh phí lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Nghị định cũng quy định các trường hợp được bán, thế chấp, cho thuê, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất tại cảng hàng không, sân bay như sau: Cho thuê tài sản gắn liền với đất thuê tại cảng hàng không, sân bay được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước, nguồn vốn khác; Thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê tại cảng hàng không, sân bay được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước, nguồn vốn khác; Bán tài sản gắn liền với đất thuê tại cảng hàng không, sân bay được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn khác; Góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê tại cảng hàng không, sân bay được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn khác.

Nghị định quy định danh mục dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay bao gồm: Dịch vụ khai thác nhà ga hành khách; Dịch vụ khai thác khu bay; Dịch vụ khai thác nhà ga, kho hàng hóa; Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, bao gồm dịch vụ không lưu, dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát; dịch vụ khí tượng hàng không; dịch vụ thông báo tin tức hàng không; dịch vụ tìm kiếm cứu nạn; Dịch vụ cung cấp xăng dầu hàng không; Dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; Dịch vụ cung cấp suất ăn hàng không; Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị hàng không; Dịch vụ kỹ thuật hàng không; Dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam, Cảng vụ hàng không, Ủy ban nhân dân các cấp nơi có cảng hàng không, sân bay và Người khai thác cảng hàng không, sân bay trong tổ chức thực hiện Nghị định này./.

Vụ Pháp chế - Bộ Giao thông vận tải

ĐÁNH GIÁ

Chấm điểm

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)