Thông tư số 54/2015/TT-BGTVT ngày 24/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển Việt Nam.
1. Tên văn bản quy phạm pháp luật
Thông tư số 54/2015/TT-BGTVT ngày 24/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển Việt Nam.
2. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. Thủ tục đối với phương tiện thủy nội địa theo quy định của Thông tư này được áp dụng từ ngày 01 tháng 03 năm 2016. Đối với tàu thuyền chưa đủ điều kiện thực hiện thủ tục điện tử theo quy định tại Thông tư này thì được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải và Thông tư số 10/2013/TT-BGTVT ngày 8 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 21/2012/NĐ-CP.
3. Nội dung chủ yếu
a) Thông tư số 54/2015/TT-BGTVT gồm 03 Chương 20 Điều.
b) Các nội dung chủ yếu của Thông tư:
Đối tượng áp dụng của Thông tư này là tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến thực hiện thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển Việt Nam.
Thông tư quy định rõ đối với tàu biển: người làm thủ tục khai báo các thông tin theo các mẫu tờ khai quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Thông tư này trên cổng thông tin một cửa quốc gia theo địa chỉ truy cập https://vnsw.gov.vn.
Đối với phương tiện thủy nội địa: người làm thủ tục khai báo và gửi yêu cầu làm thủ tục cho phương tiện thủy nội địa bằng một trong hai hình thức sau:
- Người làm thủ tục khai báo các thông tin theo các mẫu tờ khai quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Thông tư này trên cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải theo địa chỉ truy cập https://dichvucong.mt.gov.vn
- Người làm thủ tục soạn tin nhắn theo mẫu quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Thông tư này và gửi tới Tổng đài làm thủ tục cho phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển. Người làm thủ tục có trách nhiệm đăng ký số điện thoại dùng để gửi tin nhắn làm thủ tục tại Cảng vụ hàng hải.
Cảng vụ hàng hải thực hiện kiểm tra các thông tin khai báo, tra cứu dữ liệu của tàu thuyền, thuyền viên trên cơ sở dữ liệu điện tử của các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở giải quyết thủ tục điện tử cho tàu thuyền vào, rời cảng biển. Cảng vụ hàng hải chỉ được yêu cầu người làm thủ tục nộp, xuất trình các giấy tờ trong trường hợp cơ sở dữ liệu không có dữ liệu của tàu thuyền, thuyền viên đã được người làm thủ tục khai báo.
Đồng thời Thông tư quy định rõ trình tự, thời gian giải quyết, cơ quan có thẩm quyền giải quyết, mẫu bản khai, giấy phép của các thủ tục đối với tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào cảng biển; thủ tục đối với tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa rời cảng biển; thủ tục đối với phương tiện thủy nội địa vào cảng biển; Thủ tục đối với phương tiện thủy nội địa rời cảng biển. Riêng thủ tục đối với tàu biển, phương tiện thủy nội địa vào và rời một khu vực hàng hải thuộc vùng nước cảng biển có cảng, bến thủy nội địa thì chỉ phải làm thủ tục vào, rời một lần. Tàu biển, phương tiện thủy nội địa không phải làm thủ tục khi di chuyển giữa các cảng, bến thủy nội địa, bến cảng biển, cầu cảng biển (gọi chung là cảng, bến) trong một khu vực hàng hải. Thủ tục vào, rời thực hiện tại cảng, bến đầu tiên và cảng, bến cuối cùng mà tàu biển, phương tiện thủy nội địa vào, rời.
Bên cạnh đó, Thông tư đã quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc triển khai Thông tư này bao gồm trách nhiệm của: Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở Giao thông vận tải, Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ Giao thông vận tải, Cảng vụ hàng hải.