Tổng kết 5 năm công tác xây dựng văn bản QPPL của Bộ Giao thông vận tải – Một chặng đường lớn mạnh và hoàn thiện không ngừng

Thứ tư, 09/12/2015 08:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các Bộ, ngành: “cần xác định một số lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, tạo sức bứt phá đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn để ưu tiên tập trung nguồn lực nhằm xây dựng và ban hành kịp thời các luật, bộ luật có tính khả thi cao”; “Tăng cường trách nhiệm của Chính phủ và các bộ trưởng trong việc chỉ đạo hoạt động xây dựng pháp luật”… Trong nhiệm kỳ 2011-2015, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng và các Thứ trưởng, toàn thể cán bộ, công nhân viên chức Bộ Giao thông vận tải đã liên tục cố gắng, nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, góp phần thiết lập hành lang pháp lý thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Nhìn lại chặng đường 05 năm, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại Bộ Giao thông vận tải đã có những khởi sắc và thành tựu đáng khích lệ.

Tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các Bộ, ngành: “cần xác định một số lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, tạo sức bứt phá đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn để ưu tiên tập trung nguồn lực nhằm xây dựng và ban hành kịp thời các luật, bộ luật có tính khả thi cao”; “Tăng cường trách nhiệm của Chính phủ và các bộ trưởng trong việc chỉ đạo hoạt động xây dựng pháp luật”… Trong nhiệm kỳ 2011-2015, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng và các Thứ trưởng, toàn thể cán bộ, công nhân viên chức Bộ Giao thông vận tải đã liên tục cố gắng, nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, góp phần thiết lập hành lang pháp lý thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Nhìn lại chặng đường 05 năm, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại Bộ Giao thông vận tải đã có những khởi sắc và thành tựu đáng khích lệ.

1) Đối với các Luật, Bộ luật của Quốc hội

Quốc hội đã thông qua 3 văn bản Luật do Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2014 và Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) năm 2015. Sự ra đời của những văn bản này trong thời gian qua đã được báo chí và dư luận đón nhận và đánh giá là những cải cách, đột phá mới trong thể chế, chính sách.

Năm 2015, Bộ Giao thông vận tải còn được Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Bộ đã thành lập Ban Soạn thảo, Tổ biên tập và đang triển khai việc xây dựng dự thảo theo tiến độ được giao. Song song với đó, Bộ cũng tiến hành tổng kết Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực thi quy định của Luật, lắng nghe những vướng mắc, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp để kịp thời sửa đổi, bổ sung văn bản Luật.

2) Đối với các văn bản dưới Luật

Giai đoạn 5 năm 2011 – 2015 chứng kiến sự chuyển mình vượt bậc trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông vận tải, với số lượng văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng tăng nhanh qua các năm. Từ năm 2011 đến năm 2015, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 66 văn bản (trong đó có 51 Nghị định, 15 Quyết định), (tăng 12 văn bản so với nhiệm kỳ trước).

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành theo thẩm quyền 365 Thông tư, Thông tư liên tịch, cụ thể như sau:

Năm 2011: 76 Thông tư, Thông tư liên tịch;

Năm 2012: 53 Thông tư, Thông tư liên tịch;

Năm 2013: 68 Thông tư, Thông tư liên tịch;

Năm 2014: 91 Thông tư, Thông tư liên tịch;

Năm 2015 (tính đến 7/10/2015): 77 Thông tư, Thông tư liên tịch.

Như vậy, từ năm 2011 đến 2015, số Thông tư được Bộ trưởng ban hành tăng 300 Thông tư, Thông tư liên tịch so với nhiệm kỳ 05 năm 2006 – 2010. Kết quả này là sự phản ánh trung thực nhất sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ và sự lao động nghiêm túc, đầy trách nhiệm của tất cả cán bộ, công nhân viên chức trong toàn ngành giao thông vận tải 05 năm vừa qua.

Trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ luôn chú trọng việc nâng cao chất lượng của văn bản cũng như tiến độ ban hành nhằm bảo đảm tính kịp thời để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh hoặc tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu sự tác động của văn bản, đặc biệt là các quy định nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển sản xuất - kinh doanh. Bộ đã tham mưu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền những văn bản QPPL với nội dung tập trung chủ yếu vào công tác quản lý vận tải và dịch vụ vận tải, công tác đảm bảo an toàn giao thông, công tác xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công tác đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước… Các văn bản đã thiết lập khung pháp lý để tái cơ cấu vận tải, tái cơ cấu thị trường và kết nối các phương thức vận tải, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ vận tải, bảo vệ môi trường. Nhiều điều khoản đã được ban hành để siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải; quy định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ phương tiện; lặp lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt, đường bộ; quản lý hoạt động đăng kiểm phương tiện, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị…

Đặc biệt, trong điều kiện NSNN dành cho đầu tư hạ tầng giao thông chỉ đáp ứng khoảng hơn 50% so với nhu cầu, nhiều dự án phải tạm dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ, nhiều dự án quan trọng, cấp bách đều không thể cân đối được nguồn vốn ngân sách để đầu tư, Bộ GTVT đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo ra đột phá trong phát triển KCHTGT. Song song với đó, để sử dụng hiệu quả các nguồn lực huy động, trên cơ sở các quy định của nhà nước, Bộ đã xây dựng hệ thống các quy định riêng của ngành về gắn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị liên quan trong sử dụng các nguồn lực này. Các quy định của ngành về kiểm tra, kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình; về hành vi vi phạm và hình thức xử lý trong quản lý chất lượng công trình giao thông; về tiêu chí đánh giá, xếp hạng năng lực các chủ đầu tư, tổ chức tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu tham gia các dự án KCHTGT; quy chế phối hợp với các địa phương, bộ, ngành, doanh nghiệp... thực sự tạo ra đột phá trong công tác về quản lý xây dựng cơ bản của ngành GTVT, góp phần không nhỏ giúp cho ngành GTVT sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả mọi nguồn lực hiện có để phát triển KCHTGT.

Rõ ràng, nhờ quyết liệt cải cách hành lang pháp lý như vậy, toàn cảnh hệ thống giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng hôm nay đã có những đổi thay rõ rệt so với trước đây, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân và tiết kiệm thời gian lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế quốc dân, hỗ trợ năng động cho sự phát triển nhanh chóng, sôi động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước kinh doanh trong các lĩnh vực của giao thông vận tải.

Đặc biệt, ngày 22/6/2015, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Lễ công bố Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ năm 2014 (Ministerial Efficiency Index- MEI 2014). Theo đó, trong tổng số 14 Bộ được xếp hạng, Bộ Giao thông vận tải đứng thứ 01 về rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật; đứng thứ 02 về tổ chức thi hành pháp luật; đứng thứ 03 về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật và đứng thứ 05 về soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật và công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật. Nếu xét điểm số tuyệt đối, Bộ GTVT chỉ đứng đầu duy nhất chỉ số về rà soát, kiểm tra thi hành pháp luật, nhưng về mức độ cải thiện điểm số so với chính mình ở MEI 2012 thì Bộ GTVT đứng hạng nhất ở 3 trong 5 chỉ số, bao gồm Chỉ số hiệu quả hoạt động tổ chức thi hành pháp luật (với mức tăng 50,99%), Chỉ số hiệu quả rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật (tăng 41,16%) và Chỉ số chất lượng văn bản quy phạm pháp luật (tăng 16,07%). Mức cải thiện điểm số của Bộ GTVT ở MEI 2014 so với MEI 2012 là 27,58%, dẫn đầu trong 14 Bộ và vượt xa mức cải thiện của một số Bộ khác.

Xếp hạng MEI cho thấy sự bứt phá của Bộ Giao thông vận tải, với sự tăng điểm ấn tượng nhất trong MEI 2014 so với 13 Bộ còn lại. Với kết quả đó, Bộ Giao thông vận tải được cộng đồng doanh nghiệp gọi tên là Ngôi sao cải cách của năm 2014 khi “lội ngược dòng” từ tốp cuối lên tốp đầu. Các Hiệp hội doanh nghiệp nhìn nhận đột phá này với một sự ghi nhận rằng: “Nơi nào có quyết tâm và hành động quyết liệt để cải cách thì chắc chắn hiệu quả sẽ được cải thiện”. Chủ tịch VCCI nhận xét, kết quả này là “một sự tăng điểm ấn tượng của Bộ Giao thông vận tải, thể hiện đúng những gì Bộ này đã và đang làm được trong thời gian qua”.

Đối với các cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật của Bộ Giao thông vận tải, kết quả MEI 2014 vừa qua chính là sự ghi nhận, động viên mà cộng đồng doanh nghiệp, người dân và dư luận dành cho những nỗ lực lao động và cố gắng cải cách chính mình trong 05 năm vừa qua.

3) Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

Nhằm phục vụ trực tiếp cho công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, việc thường xuyên rà soát, hệ thống hóa văn bản cũng giúp Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc loại bỏ các quy định, các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, trái pháp luật, có chồng chéo, mâu thuẫn. Năm 2013, Bộ GTVT đã thực hiện tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải. Trên cơ sở kết quả tổng rà soát năm 2013, ngày 11/4/2014, Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 1291/QĐ-BGTVT công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ GTVT đến hết ngày 31/01/2014 (trong đó: 384 văn bản còn hiệu lực; 462 văn bản hết hiệu lực toàn bộ; 50 văn bản văn bản hết hiệu lực một phần; 76 văn bản phải sửa đổi, bổ sung). Năm 2014, Bộ đã ban hành 02 Quyết định (Quyết định số 2736/QĐ-BGTVT ngày 18/7/2014 và Quyết định số 02/QĐ-BGTVT ngày 05/01/2015), trong đó công bố: 27 văn bản hết hiệu lực toàn bộ; 16 văn bản hết hiệu lực một phần. Năm 2015, Bộ trưởng đã ký Quyết định số 2505/QĐ-BGTVT ngày 13/7/2015, công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải hết hiệu lực thi hành 06 tháng đầu năm 2015. Hiện nay, Bộ đang khẩn trương rà soát, tổng hợp để trình Bộ trưởng ký ban hành Quyết định công bố văn bản hết hiệu lực 6 tháng cuối năm 2015. Trên cơ sở kết quả rà soát, các văn bản đều được đưa vào Chương trình xây dựng văn bản QPPL của Bộ để sửa đổi, bổ sung kịp thời.

4) Về công tác cải cách thủ tục hành chính

a) Về Kiểm soát TTHC trong quá trình soạn thảo văn bản QPPL

  Tổng số TTHC đã ban hành thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT hiện nay là 532 TTHC, tất cả các thủ tục hành chính đều đã được công bố và công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.

Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ GTVT, các cơ quan, đơn vị trong Bộ luôn chú trọng đến việc kiểm soát thủ tục hành chính trong quá trình soạn thảo văn bản QPPL. Các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ đều được thực hiện đánh giá tác động thủ tục theo đúng quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính, Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính và Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014 của Bộ Tư pháp.

Tất cả các thủ tục hành chính mới tại các dự thảo văn bản QPPL đều phải qua một quy trình chặt chẽ từ bước đánh giá sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp đến thủ tục xin ý kiến góp ý của đối tượng chịu tác động; thẩm định, rà soát lần cuối trước khi Bộ trưởng ký ban hành nhằm hạn chế phát sinh các thủ tục hành chính không cần thiết. Do đó, các thủ tục hành chính mới được ban hành luôn đảm bảo được sự cần thiết, tính rõ ràng, đơn giản về hồ sơ, trình tự thực hiện. Các quy định về thời gian, cách thức thực hiện được quy định theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

b) Về rà soát, đánh giá TTHC

  - Từ năm 2011, Thực hiện Nghị Quyết số 45/NQ-CP ngày 16/11/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT và Nghị Quyết số 25/NQ-CP ngày 02/6/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, ngành, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ ban hành 07 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền 41 Thông tư để thực thi phương án đơn giản hoá của 405 thủ tục hành chính, đạt 100% kế hoạch, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

  - Bộ Giao thông vận tải thường xuyên thực hiện rà soát các thủ tục hành chính tại các dự thảo văn bản QPPL và tại các văn bản QPPL để đảm bảo các thủ tục hành chính được ban hành là thật sự cần thiết, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp theo đúng quy định của Nghị định 63/2010/NĐ-CP ngày 8/10/2010 và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ.  

  Năm 2014 Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức thực hiện rà soát tổng thể 532 TTHC, trên cơ sở kết quả rà soát đã trình Bộ trưởng ký Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT ngày 6/5/2015 phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT, trong đó bãi bỏ 79 thủ tục, đơn giản hóa 228 thủ tục. Trên cơ sở phương án đơn giản hóa, Bộ GTVT đã và đang triển khai sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL liên quan để thực hiện phương án đơn giản hóa nói trên.  

  - Từ năm 2012 đến nay, hàng năm Bộ GTVT đều ban hành Kế hoạch rà soát các TTHC, các nhóm TTHC để tiếp tục đơn giản hóa các TTHC, các nhóm TTHC để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tất cả các vấn đề được phát hiện sau khi rà soát đã được đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

  Vừa qua, thực hiện theo Quyết định 08/QĐ-TTg ngày 6/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ về đơn giản hóa trọng tâm 2015, Bộ GTVT đã thực hiện việc rà soát toàn bộ các TTHC trong lĩnh vực giao thông vận tải để chuẩn hóa danh mục và nội dung TTHC và đã ban hành Quyết định số 3110/QĐ-BGTVT ngày 28/8/2015 công bố danh mục và nội dung TTHC đã được chuẩn hóa.

  c) Về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị

  - Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ được thực hiện thường xuyên. Trên cơ sở Nghị định 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 50/2011/TT-BGTVT ngày 30/9/2011 hướng dẫn việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT, đã công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Tất cả các phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân đều được Bộ GTVT tiếp nhận và xử lý kịp thời, đảm bảo theo đúng quy định.

  c) Dịch vụ công trực tuyến: nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết thủ tục hành chính, tất cả các thủ tục hành chính trong lĩnh vực GTVT đều được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở các mức độ 2, 3 và 4. Hiện nay, Bộ GTVT có 40 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 15 dịch vụ ở mức độ 4. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục đẩy mạnh tăng cường các thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức cá nhân trong việc thực hiện thủ tục hành chính.

 Nhờ những cố gắng nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên ngành giao thông vận tải, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng, trong hai năm liên tiếp 2013 và năm 2014, Bộ Giao thông vận tải đứng thứ nhất về cải cách hành chính (PAR INDEX) do Bộ Nội vụ chủ trì.

Trên đây là tổng kết 5 năm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông vận tải. Tiếp tục phát huy những thành quả trong nhiệm kỳ 05 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng văn bản QPPL để công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế của Bộ được “chất lượng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, tăng tốc hơn nữa, phát triển hơn nữa”, xứng đáng với truyền thống “70 năm đi trước mở đường”.

ĐÁNH GIÁ

Chấm điểm

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)