1. Tên văn bản quy phạm pháp luật
Nghị định số 63/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
2. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2016.
3. Sự cần thiết, mục đích ban hành
Hoạt động kiểm định xe cơ giới đang được thực hiện theo Luật Giao thông đường bộ đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật, nâng cao chất lượng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, hạn chế các nguy cơ tai nạn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và giảm phát thải khí thải xe cơ giới để bảo vệ môi trường.
Thực hiện Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 khóa XIII, trong đó tại khoản 6 Điều 7 yêu cầu Chính phủ quy định chi tiết việc công bố và kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó có hoạt động kiểm định xe cơ giới. Việc Chính phủ ban hành Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới với những quy định cụ thể, rõ ràng làm cơ sở để các tổ chức, cá nhân áp dụng thực hiện sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường huy động nguồn lực xã hội trong việc xây dựng , nâng cấp cơ sở vật chất cho hoạt động kiểm định xe cơ giới, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp là hết sức cần thiết; đồng thời tăng cường vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kiểm định xe cơ giới, đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông; khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quá trình xã hội hóa kiểm định xe cơ giới nêu trên.
4. Nội dung chủ yếu
a) Nghị định số 63/2016/NĐ-CP gồm 05 Chương, 29 Điều và 05 Phụ lục.
b) Các nội dung chủ yếu của Nghị định:
Nghị định này quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự (sau đây gọi chung là xe cơ giới) và việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Đối tượng áp dụng của Nghị định này là cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến quản lý, kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Nghị định này không áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện kiểm định xe cơ giới của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.
Theo Nghị định, nguyên tắc hoạt động dịch vụ kiểm định xe cơ giới được quy định như sau: Chỉ những tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới mới được phép kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; Tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới không được kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới hoặc có liên quan trực tiếp với tổ chức kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới. Nếu tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới là công ty cổ phần thì tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới chỉ được nắm giữ không quá 10% cổ phần của tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Cũng theo Nghị định, điều kiện chung về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới được quy định như sau: Việc thành lập đơn vị đăng kiểm phải phù hợp Quy hoạch tổng thể mạng lưới các đơn vị đăng kiểm và dây chuyền kiểm định; Tổ chức đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực theo quy định tại Chương II của Nghị định được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Nghị định cũng quy định rõ về diện tích mặt bằng của đơn vị đăng kiểm như sau: Đối với đơn vị đăng kiểm có một dây chuyền kiểm định loại I, diện tích mặt bằng tối thiểu sử dụng cho hoạt động kiểm định là 1.250 m2; Đối với đơn vị đăng kiểm có một dây chuyền kiểm định loại II, diện tích mặt bằng tối thiểu sử dụng cho hoạt động kiểm định là 1.500 m2; Đối với đơn vị đăng kiểm có hai dây chuyền kiểm định, diện tích mặt bằng tối thiểu sử dụng cho hoạt động kiểm định là 2.500 m2; Đối với đơn vị đăng kiểm có từ ba dây chuyền kiểm định trở lên thì diện tích sử dụng cho hoạt động kiểm định từ dây chuyền thứ 3 trở lên tăng thêm tương ứng cho mỗi dây chuyền không nhỏ hơn 625 m2.
Nghị định cũng quy định cụ thể các thủ tục như: Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới; Thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới; Trình tự đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới; Thủ tục ngừng hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tổ chức thực hiện Nghị định này.