Thông tin về Nghị định số 64/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Thứ sáu, 01/07/2016 09:51
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

1. Tên văn bản quy phạm pháp luật

Nghị định số 64/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

2. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

3. Sự cần thiết, mục đích ban hành

Ngày 26 tháng 11 năm 2014, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Đầu tư; theo đó, tại Điều 7 (ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện) của Luật quy định:

- Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.

- Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề có điều kiện phải được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

- Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư; theo đó, có “Kinh doanh dịch vụ đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông” và “Kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông” (tại số thứ tự 84 và 86 của danh mục).

Tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định về điều kiện của tổ chức thực hiện thẩm tra an toàn giao thông (ATGT) đối với dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp công trình đường bộ; tuy nhiên, đối với công trình đường bộ đang khai thác lại chưa có quy định cụ thể, dẫn đến phát sinh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Hiện nay, tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP chưa quy định về điều kiện kinh doanh của tổ chức thực hiện dịch vụ đào tạo thẩm tra viên ATGT đường bộ. Các điều kiện của dịch vụ này đang được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định tại Thông tư số 16/2012/TT-BGTVT ngày 25 tháng 5 năm 2012 theo thẩm quyền tại thời điểm ban hành.

Vì vậy, Nghị định 11/2010/NĐ-CP cần thiết phải được sửa đổi để bổ sung các nội dung quy định về điều kiện kinh doanh đối với hai dịch vụ liên quan đến công tác thẩm tra, thẩm định ATGT công trình đường bộ nêu trên.

Ngày 22 tháng 6 năm 2015, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; theo đó, tại Điều 14 (những hành vi bị nghiêm cấm) quy định không cho phép: “Quy định thủ tục hành chính trong thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ…, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; nghị quyết của Hội đồng nhân dân…, trừ trường hợp được giao trong luật”.

Hiện nay, các thủ tục hành chính liên quan đến thẩm tra, thẩm định ATGT đang được quy định tại Thông tư số 16/2012/TT-BGTVT ngày 25 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, cấp và quản lý chứng chỉ thẩm tra viên ATGT đường bộ. Tuy nhiên, thời gian quy định cho việc thực hiện các thủ tục hành chính còn tương đối dài, chưa phù hợp với chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Vì vậy, cần thiết phải đơn giản hóa các thủ tục hành chính này tại Nghị định và bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. 

Với các lý do nêu trên, việc xây dựng “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ” là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về thẩm tra, thẩm định ATGT công trình đường bộ.

4. Nội dung chủ yếu

a) Nghị định số 64/2016/NĐ-CP gồm 03 Điều, 07 Phụ lục.

b) Các nội dung chủ yếu của Nghị định:

Theo Nghị định, điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông được quy định như sau: 

- Cá nhân tham gia thẩm tra an toàn giao thông (sau đây gọi là thẩm tra viên) phải có chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ còn giá trị sử dụng do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp. Cá nhân đảm nhận chức danh Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông, ngoài đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, còn phải đáp ứng một trong các điều kiện sau: Đảm nhận chức danh Chủ nhiệm đồ án thiết kế ít nhất 03 công trình đường bộ; Có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành công trình đường bộ, có thời gian làm việc về thiết kế công trình đường bộ ít nhất 07 năm; Có trình độ từ đại học trở lên, chuyên ngành giao thông đường bộ về công trình đường bộ, vận tải đường bộ và có thời gian ít nhất 10 năm tham gia hoạt động trong các lĩnh vực: Quản lý giao thông, vận tải đường bộ, xây dựng đường bộ, bảo trì đường bộ; trong đó, đã tham gia xử lý an toàn giao thông từ 03 công trình đường bộ trở lên.

- Nhà thầu tư vấn thực hiện thẩm tra an toàn giao thông phải đáp ứng điều kiện sau: Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A và nhóm B, phải có ít nhất 10 thẩm tra viên; trong đó, tối thiểu có 04 kỹ sư công trình đường bộ, 01 kỹ sư vận tải đường bộ và tối thiểu có 01 người đủ điều kiện làm Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông; Đối với dự án nhóm C và công trình đường bộ đang khai thác, phải có ít nhất 05 thẩm tra viên; trong đó, tối thiểu có 01 kỹ sư công trình đường bộ, 01 kỹ sư vận tải đường bộ và tối thiểu có 01 người đủ điều kiện làm Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông.”.

Nghị định cũng bổ sung một số quy định mới như:

- Quy định về điều kiện của cơ sở kinh doanh đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ;

- Trình tự, thủ tục chấp thuận cơ sở đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ (sau đây gọi là cơ sở đào tạo);

- Giảng viên và học viên tham gia đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ;

- Cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ;

- Cấp đổi chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ;

- Cấp lại chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ;

- Thu hồi Giấy chấp thuận cơ sở đào tạo, thu hồi chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ.

BÌNH LUẬN

ĐÁNH GIÁ

0
Chấm điểm

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)