1. Tên văn bản quy phạm pháp luật
Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
2. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
3. Sự cần thiết, mục đích ban hành
Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014, có hiệu lực từ ngày 01/7/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2014 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2015. Những Luật này đã khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc đầu tư kinh doanh các ngành, nghề trong lĩnh vực hàng không dân dụng- một lĩnh vực có tính đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp tới quốc phòng, an ninh quốc gia, an toàn sinh mạng con người; mang tính quốc tế hóa cao và đang cần được tạo điều kiện để phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, đưa ngành hàng không dân dụng Việt Nam chủ động hội nhập và không lạc hậu với hàng không dân dụng quốc tế.
Theo quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư, lĩnh vực hàng không dân dụng có 06 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Khoản 3 Điều 7 của Luật cũng yêu cầu điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Tuy nhiên, triển khai quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, hiện nay, các nội dung về điều kiện đầu tư kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng đang được quy định ở các văn bản như Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2016 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung; Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 hướng dẫn chi tiết điều kiện về vốn theo yêu cầu của Điều 63 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Thông tư số 16/2010/TT-BGTVT ngày 30/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, và hệ thống các Thông tư chuyên ngành hàng không dân dụng.
Do đó, để đáp ứng các quy định của Luật Đầu tư 2014, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời nhằm quy định rõ ràng, minh bạch, thống nhất các điều kiện đầu tư kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong theo dõi, dẫn chiếu, thực hiện thì việc xây dựng một Nghị định quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng là thực sự cần thiết, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
4. Nội dung chủ yếu
a) Nghị định số 92/2016/NĐ-CP gồm 08 Chương, 31 Điều và 07 Mẫu văn bản.
b) Các nội dung chủ yếu của Nghị định:
Nghị định này quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng bao gồm: Kinh doanh vận tải hàng không; Kinh doanh cảng hàng không, sân bay; Kinh doanh dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay; Kinh doanh dịch vụ thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng hoặc thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang thiết bị tàu bay tại Việt Nam; Kinh doanh dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; Kinh doanh dịch vụ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không.
Đối tượng áp dụng của Nghị định này là tổ chức, cá nhân liên quan đến các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng tại Việt Nam.
Theo Nghị định, điều kiện kinh doanh vận tải hàng không đó là: Phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không; Đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định tại Nghị định này; Được Bộ Giao thông vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép; Các quy định tại Chương này không áp dụng đối với lĩnh vực đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ thành viên tổ lái, giáo viên huấn luyện.
Nghị định cũng quy định các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác; Điều kiện về tổ chức bộ máy; Điều kiện về vốn.
Cũng theo Nghị định, điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh cảng hàng không đó là:
- Có phương án kinh doanh và chiến lược phát triển của doanh nghiệp bao gồm các nội dung sau: Tổ chức bộ máy và nhân viên được cấp giấy phép, chứng chỉ phù hợp, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn khai thác cảng hàng không theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng; Hệ thống trang thiết bị và các điều kiện cần thiết để bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng.
- Đáp ứng các điều kiện về vốn như sau: Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp cảng hàng không đối với kinh doanh cảng hàng không nội địa: 100 tỷ đồng Việt Nam; kinh doanh cảng hàng không quốc tế: 200 tỷ đồng Việt Nam; Tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 30% vốn điều lệ.
Nghị định cũng quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ bảo đảm hoạt động bay như sau:
- Có cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và hệ thống kỹ thuật, thiết bị được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép khai thác khi đáp ứng các yêu cầu về hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị, quy trình khai thác đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành hàng không dân dụng;
- Đáp ứng các điều kiện về vốn như sau: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin dẫn đường giám sát, dịch vụ khí tượng hàng không có tỷ lệ vốn nhà nước không được thấp hơn 65% vốn điều lệ và tỷ lệ vốn góp của cá nhân, tổ chức nước ngoài chiếm không quá 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp.