Luật Tiếp công dân năm 2013 là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất từ trước đến nay quy định một cách đầy đủ và toàn diện nhất về mô hình tổ chức tiếp công dân ở Việt Nam, qua đó nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân tại các Bộ, ngành, địa phương.
Theo quy định của Luật, việc tiếp công dân được thực hiện tại Trụ sở Tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân. Trong bài viết này, chúng tôi xin trình bày thực tế về mô hình tổ chức tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân ở Việt Nam hiện nay - cũng như một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị.
Thứ nhất, về Trụ sở Tiếp công dân và Ban Tiếp công dân các cấp
Luật Tiếp công dân quy định về Trụ sở Tiếp công dân Trung ương và Trụ sở Tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện. Ban Tiếp công dân được thành lập để trực tiếp quản lý Trụ sở Tiếp công dân ở mỗi cấp. Triển khai thi hành Luật Tiếp công dân, trong những năm qua, Ban Tiếp công dân các cấp đã được thành lập, kiện toàn và tích cực hoạt động để thực thi các nhiệm vụ.
Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương: Thanh tra Chính phủ đã thành lập và kiện toàn tổ chức của Ban Tiếp công dân Trung ương (từ Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư). Hiện nay, Ban Tiếp công dân Trung ương gồm 5 phòng với tổng số 36 công chức. Ban Tiếp công dân Trung ương có chức năng giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư; phụ trách Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; thường trực tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ tại 2 Trụ sở; xử lý đơn thư gửi đến Thanh tra Chính phủ, Trụ sở; phối hợp với các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở kiểm tra, đôn đốc việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ, ngành, địa phương.
Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, Ban Tiếp công dân Trung ương đã tham mưu giúp lãnh đạo Thanh tra Chính phủ phối hợp với các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch Nước làm tốt nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư thường xuyên, nhất là trong thời gian diễn ra các kỳ họp của Trung ương Đảng và Quốc hội.
Tại Trụ sở Tiếp công dân cấp tỉnh: Đến nay, 63/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Tiếp công dân cấp tỉnh. Ban Tiếp công dân cấp tỉnh trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, do Trưởng ban là Phó Chánh Văn phòng UBND cấp tỉnh phụ trách, số lượng biên chế thường từ 4 - 8 công chức. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có số lượng công chức tại Ban này nhiều hơn (Hà Nội: 23 người; TP Hồ Chí Minh: 33 người). Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong Ban Tiếp công dân còn thành lập một số phòng (chẳng hạn, Ban Tiếp công dân của TP Hồ Chí Minh được tổ chức thành 3 phòng, gồm Phòng Xử lý đơn; Phòng Kiểm tra, đôn đốc; Phòng Hành chính, tổng hợp. Ban Tiếp công dân của TP Hà Nội cũng có 3 phòng, gồm Phòng Tiếp dân, xử lý đơn; Phòng Kiểm tra, đôn đốc; Phòng Tổng hợp).
Tại Trụ sở Tiếp công dân cấp tỉnh cũng có sự phối hợp chặt chẽ giữa Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, ở một số địa phương, do điều kiện biên chế và số lượt tiếp công dân liên quan đến thẩm quyền giải quyết của từng cơ quan không nhiều nên các cơ quan này tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh thường được thực hiện theo yêu cầu vụ việc mà không cử cán bộ tiếp công dân thường xuyên theo quy định của Luật Tiếp công dân.
Tại Trụ sở Tiếp công dân cấp huyện: Ở các địa phương hiện nay, UBND cấp huyện đã thành lập Ban Tiếp công dân cấp huyện trực thuộc Văn phòng HĐND và UBND do Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND kiêm giữ chức vụ Trưởng Ban Tiếp công dân, chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của Ban Tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân; bố trí từ 1 đến 2 công chức Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân. Một số địa phương cử thêm cán bộ, công chức các phòng, ban của huyện làm nhiệm vụ phối hợp tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân.
Theo quy định của Luật Tiếp công dân, Ban Tiếp công dân cấp huyện phối hợp với đại diện của Văn phòng Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân. Trên thực tế, tại Trụ sở Tiếp công dân cấp huyện, việc tiếp công dân thường xuyên chủ yếu do Ban Tiếp công dân thực hiện. Tại cấp huyện của nhiều địa phương, chưa bố trí để công chức Văn phòng Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy tham gia tiếp công dân thường xuyên. Việc tiếp công dân của Văn phòng Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy được thực hiện khi có yêu cầu vụ việc do khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc phạm vi tiếp nhận của các cơ quan này không nhiều.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Thứ hai, về địa điểm tiếp công dân và bộ phận tiếp công dân
Tại các Bộ, ngành: Sau khi Luật Tiếp công dân được ban hành và có hiệu lực, Bộ trưởng đã giao cho Thanh tra Bộ là cơ quan thường trực tiếp công dân của Bộ. Tại một số Bộ, Thanh tra Bộ đã thành lập phòng có chức năng, nhiệm vụ tiếp công dân. Chẳng hạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Phòng Tiếp dân và xử lý đơn; Bộ Tài chính có Phòng Quản lý các vấn đề khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân; tại Bộ Giao thông vận tải, Phòng Thanh tra 4 có nhiệm vụ chuyên trách công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC và phòng, chống tham nhũng; Bộ Ngoại giao có Phòng Thanh tra, tiếp công dân và giải quyết KNTC.
Tại một số Bộ, không thành lập Phòng Tiếp công dân riêng mà Thanh tra Bộ cử cán bộ, công chức làm nhiệm vụ thường trực tiếp công dân (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ).
Đối với các tổng cục, cục, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan này thành lập bộ phận tiếp công dân tại đơn vị mình. Tại các tổng cục, nhiệm vụ thường trực tiếp công dân được giao cho vụ pháp chế, thanh tra; tại các cục giao cho phòng thanh tra, pháp chế hoặc phòng hành chính, tổng hợp. Tại các đơn vị sự nghiệp công lập, tùy đặc điểm, tình hình của đơn vị, thủ trưởng đơn vị giao cho một bộ phận làm nhiệm vụ thường trực tiếp công dân.
Tại các Sở, ngành ở địa phương: Giám đốc các Sở, ngành đã bố trí Phòng Tiếp công dân và phân công cho Thanh tra Sở thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân. Trên cơ sở đó, Chánh Thanh tra Sở, phân công công chức của Thanh tra Sở làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng công dân đến các sở là khác nhau, một số sở tiếp công dân nhiều hơn như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng, Sở Công thương. Trong khi đó, có sở có rất ít hoặc không có công dân đến (Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tư pháp).
Tại cấp huyện: Công dân chủ yếu đến gặp Ban Tiếp công dân cấp huyện tại Trụ sở Tiếp công dân cấp huyện để KNTC, kiến nghị, phản ánh. Do đó, các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện hầu như không bố trí địa điểm riêng để tiếp công dân mà chỉ phân công công chức tiếp công dân trong trường hợp công dân đến cơ quan mình để KNTC, kiến nghị, phản ánh.
Ở cấp xã: Về cơ bản, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn đã tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân.
Tại UBND các xã, phường, thị trấn hiện nay đều ban hành Nội quy tiếp công dân, Lịch tiếp công dân và niêm yết tại địa điểm tiếp công dân hoặc tại bộ phận 1 cửa. Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn là người trực tiếp phụ trách công tác tiếp công dân nên đã thường xuyên đề xuất với cấp ủy Đảng, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp để thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC theo đúng quy định của pháp luật; thường bố trí công chức Văn phòng - Thống kê hoặc công chức địa chính, Tư pháp - Hộ tịch kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên tại địa điểm tiếp công dân của xã để tiếp nhận, xử lý các đơn thư KNTC, kiến nghị, phản ánh, tranh chấp của nhân dân.
Thứ ba, một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Đối với tổ chức bộ máy của Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện
Đối với Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Luật Tiếp công dân, Ban Tiếp công dân cấp tỉnh trực thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh, do một Phó Chánh Văn phòng phụ trách. Đối với hầu hết các tỉnh, TP, mô hình này là phù hợp.
Tuy nhiên, tại hai TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mô hình như trên là còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên chưa phát huy hiệu quả của công tác tiếp công dân. Do đó, cần nghiên cứu mô hình đặc thù riêng cho hai TP lớn này theo hướng Ban Tiếp công dân của hai TP tương đương cấp sở.
Đối với Ban Tiếp công dân cấp huyện, Luật Tiếp công dân quy định Ban Tiếp công dân cấp huyện do UBND cấp huyện thành lập, trực thuộc Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện. Theo đó, Ban Tiếp công dân cấp huyện chỉ có Trưởng ban và công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân. Trưởng ban Tiếp công dân cấp huyện do một Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND phụ trách. Với quy định này, Ban Tiếp công dân cấp huyện chỉ có một Trưởng ban mà không có Phó Trưởng ban, nên trong trường hợp Trưởng ban đi vắng hoặc phải xử lý các công việc liên quan đến nhiệm vụ của Văn phòng thì việc tiếp công dân gặp không ít khó khăn, bất cập. Do đó, cần nghiên cứu cơ cấu tổ chức của Ban Tiếp công dân cấp huyện theo hướng có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và một số công chức, qua đó giải quyết những vướng mắc trong công tác tiếp công dân ở cấp huyện.
Đối với các cơ quan tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện, theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Luật Tiếp công dân thì các cơ quan, như: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy phải phối hợp cử cán bộ tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân cấp tỉnh. Khoản 3 Điều 13 của Luật cũng quy định Ủy ban Kiểm tra huyện và Văn phòng Huyện ủy cử đại diện phối hợp cùng Ban Tiếp công dân cấp huyện tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân cấp huyện.
Các quy định đòi hỏi mỗi cơ quan nói trên phải có ít nhất 1 biên chế thường xuyên làm việc tại Trụ sở Tiếp công dân, điều đó khó thực hiện ở cấp tỉnh và cấp huyện. Vì biên chế cán bộ, công chức thuộc các cơ quan này là có hạn, không thể thường xuyên làm việc tại Trụ sở Tiếp công dân. Hơn nữa, đơn thư của công dân đến gửi các ban của Đảng tại Trụ sở Tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện không nhiều, việc bố trí 1 biên chế của mỗi cơ quan này tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân là không cần thiết. Do đó, thiết nghĩ cần nghiên cứu sửa đổi Khoản 3 Điều 12 và Khoản 3 Điều 13 Luật Tiếp công dân theo hướng các cơ quan, tổ chức nói trên cử đại diện phối hợp cùng Ban Tiếp công dân cùng cấp tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân khi có công dân đến KNTC, kiến nghị, phản ánh liên quan đến phạm vi, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức đó. Như vậy, sẽ tiết kiệm được thời gian, nhân lực cho các cơ quan, tổ chức, đồng thời đảm bảo tính khả thi của các quy định pháp luật.
Về mối quan hệ giữa Ban Tiếp công dân các cấp: Luật Tiếp công dân không quy định về mối quan hệ giữa Ban Tiếp công dân Trung ương với Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, Ban Tiếp công dân cấp tỉnh với Ban Tiếp công dân cấp huyện. Điều đó dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trên thực tế giữa các cơ quan này trong việc hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn, xây dựng báo cáo, nắm bắt thông tin, đôn đốc, kiểm tra... hoạt động tiếp công dân.
Chúng tôi cho rằng, cần hoàn thiện Luật Tiếp công dân theo hướng quy định về mối quan hệ giữa Ban Tiếp công dân Trung ương với Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, Ban Tiếp công dân cấp tỉnh với Ban Tiếp công dân cấp huyện, qua đó đảm bảo cho công tác tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân các cấp ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Về tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân: Theo quy định, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm tiếp công dân, bố trí địa điểm tiếp công dân, bố trí công chức làm công tác tiếp công dân.
Thực tế, những năm qua, tại một số sở, ngành có rất ít hoặc không có công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, nhưng để thực hiện đúng quy định của Luật Tiếp công dân, các sở vẫn phải bố trí công chức thường trực tiếp công dân, trong khi các bộ phận chuyên môn khác vẫn thiếu người. Mặt khác, khi bố trí công chức tiếp công dân mà không có công dân đến, thì việc chi trả chế độ bồi dưỡng cho công chức tiếp công dân sẽ có vướng mắc, gây những ý kiến thắc mắc trong quá trình thực hiện. Chính vì thế, nên chăng cần sửa đổi Khoản 2 Điều 16 Luật Tiếp công dân theo hướng: Trường hợp các sở, ngành không có hoặc rất ít công dân đến KNTC, kiến nghị, phản ánh thì Thanh tra sở chỉ phân công công chức kiêm nhiệm công tác này, đảm bảo sự tiết kiệm về nhân lực, thời gian cho các đơn vị.
Tại cấp huyện, thực tế hầu hết công dân đến gặp Ban Tiếp công dân và Chủ tịch UBND cấp huyện để KNTC (không đến các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện). Do đó, việc quy định cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có trách nhiệm tiếp công dân và bố trí công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân là không cần thiết. Chúng tôi cho rằng cần quy định Ban Tiếp công dân cấp huyện đảm nhiệm việc tiếp công dân thường xuyên và là đầu mối tiếp nhận, xử lý đơn của UBND và các phòng chuyên môn của UBND cấp huyện; đồng thời quy định cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có trách nhiệm bố trí công chức phối hợp tiếp công dân cùng Ban Tiếp công dân cấp huyện trong trường hợp công dân KNTC kiến nghị, phản ánh liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình (chứ không phải thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên và bố trí công chức tiếp công dân thường xuyên tại cơ quan mình như quy định hiện nay).
Đối với việc tiếp công dân ở cấp xã: Hiện nay, công chức làm công tác tiếp công dân ở cấp xã hoạt động kiêm nhiệm. Điều này cũng dẫn đến những khó khăn cho công chức cấp xã trong việc hoạt động tiếp công dân, đồng thời cũng gây khó khăn cho người dân khi đến Trụ sở UBND xã, phường, thị trấn để KNTC, kiến nghị, phản ánh, nhất là ở những nơi có mật độ dân số đông như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Để đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiệu quả của hoạt động tiếp công dân tại cấp xã, tạo điều kiện cho người dân khi đến Trụ sở UBND xã, phường, thị trấn để KNTC, kiến nghị, phản ánh, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Tiếp công dân theo hướng quy định chủ tịch UBND cấp xã bố trí 01 công chức làm công tác tiếp công dân chuyên trách.
Tóm lại, công tác tiếp công dân luôn được xác định là công việc quan trọng của Đảng và Nhà nước. Làm tốt công tác tiếp công dân là thể hiện bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân, tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Do đó, việc hoàn thiện mô hình tổ chức tiếp công dân là thực sự cần thiết, có vai trò quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả của công tác tiếp công dân, góp phần xây dựng Nhà nước Việt Nam của dân, do dân và vì dân./.
Ths. Phạm Thị Phượng - Phó trưởng phòng, Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ
Ths. Trần Thị Kim Ngân - Giảng viên Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn