Sáng 1/9, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã chủ trì phiên họp góp ý cho Đề án cao tốc Bắc Nam phía Đông. Cùng dự có lãnh đạo các Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Ban Quản lý đầu tư các dự á đối tác công - tư, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Viện Chiến lược và phát triển GTVT, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật chủ trì cuộc họp
Theo Đề án, trục dọc giao thông Bắc Nam có vai trò như trục xương sống của nước ta, nơi tập trung các trung tâm kinh tế, các đô thị lớn của cả nước, hiện tại và tương lai theo quy hoạch trên trục này có đủ các phương thức vận tải, nhu cầu vận tải rất lớn. Đối với các phương thức vận tải, qua nghiên cứu cho thấy: đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần có nhiều thời gian chuẩn bị về nguồn lực tài chính, công nghệ, nhân lực nên chỉ có thể đưa vào khai thác vào năm 2030; vận tải hàng không chỉ chủ yếu phục vụ vận tải hành khách do các doanh nghiệp chủ động phát triển; đường thủy nội địa phụ thuộc điều kiện thời tiết và không liên tục trên tuyến Bắc - Nam nên chỉ phát triển theo khu vực; vận tải hàng hải chủ yếu vận tải hàng hóa, thời gian vận chuyển dài, hàng khối lượng lớn. Vì vậy, việc tập trung phát triển vận tải đường bộ trên trục Bắc - Nam đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài, phù hợp bối cảnh nguồn lực, công nghệ đất nước ta hiện nay.
Với hiện trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và trong điều kiện kinh tế nước ta hiện nay thì việc xây dựng đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Hà Nội-TP. Hồ Chí Minh là đòi hỏi cấp thiết để đến năm 2020 có được trục giao thông đường bộ hiện đại thúc đẩy phát triển KTXH của cả nước và từng khu vực, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Cũng theo Đề án, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1/3/2016), gồm 31 tuyến với tổng chiều dài 6.411km, gồm: Tuyến cao tốc Bắc - Nam kết nối các vùng kinh tế trọng điểm từ Bắc đến Nam (02 tuyến với chiều dài 3.083 km gồm: Tuyến phía Đông, dài 1.814 km (đi theo hướng Quốc lộ 1) với điểm đầu tại Pháp Vân (Hà Nội), điểm cuối tại TP. Cần Thơ, trong đó đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh dài 1624 km và tuyến phía Tây, dài 1.269 km (đi theo hướng đường Hồ Chí Minh)); Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc; Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên; Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam và Đường vành đai TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Hiện tại, đối với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT đã đưa vào khai thác 4 tuyến với tổng chiều dài 171 km, gồm: Pháp Vân - Cầu Giẽ (30 km), Cầu Giẽ - Ninh Bình (50 km), TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (40 km), TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (51 km). Đồng thời Bộ cũng đang triển khai thi công 299 km, gồm: Tuyến La Sơn - Túy Loan, dài 66 km, hoàn thành tháng 8/2017; Tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dài 127 km, hoàn thành tháng 9/2017; Tuyến Bến Lức - Long Thành, dài 55 km, hoàn thành năm 2019; Tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, dài 51 km, hoàn thành năm 2018. Như vậy, đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác 470 km. Để thông tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (theo quy mô tối thiểu 4 làn xe) cần tiếp tục đầu tư hoàn thành 1.372 km.
Một đoạn trong tuyến cao tốc TP. HCM-Long Thành-Dầu Giây
Tuy nhiên, theo Đề án, các dự án xây dựng đường bộ cao tốc là những dự án có nguồn vốn lớn, hiệu quả tài chính không cao, khó khăn cho việc huy động vốn của các nhà đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách dành cho đối ứng các dự án ODA nói chung và các tuyến cao tốc còn thiếu, chưa đáp ứng tiến độ yêu giải ngân và triển khai. Vì vậy, trong những năm tới, việc tìm kiếm nguồn vốn để xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông là yêu cầu quan trọng. Trong đó về nguyên tắc phải xác định Nhà nước cần tăng nguồn vốn đầu tư dành cho phát triển hệ thống đường bộ cao tốc với vai trò thu hút các thành phần khác tham gia đầu tư; ngoài ra ngân sách của các địa phương cũng phải tham gia đầu tư vào quá trình xây dựng đường cao tốc.
Tại cuộc họp các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến đối với Đề án về sự cấp thiết phải đầu tư tuyến đường, khả năng cũng như các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, việc cung cấp vốn cho dự án, phân kỳ đầu tư cho dự án ...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Nhật lưu ý Ban soạn thảo Đề án, đây mới chỉ là đề án đề xuất để xin chủ trương của Quốc hội, chứ chưa phải là dự án tiền khả thi. Do đó, Thứ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến đã nêu ra tại cuộc họp hôm nay, hoàn thiện Đề án ngay trong tuần này để có cơ sở báo cáo với Chính phủ trong đầu tuần sau.
Trong quá trình hoàn chỉnh Đề án, Thứ trưởng yêu cầu, Ban soạn thảo cần có sự so sánh rõ hơn ưu nhược điểm của các phương thức vận tải, từ đó nêu bật sự cần thiết phải đầu tư xây dựng tuyến đường. Đồng thời, Ban soạn thảo cũng cần tiếp thu các ý kiến đã nêu tại cuộc họp để đưa ra các phương án phân kỳ đầu tư hợp lý phù hợp với thực tế và yêu cầu, cũng như loại bỏ những phần chưa cần thiết đã nêu trong Đề án.
DT