Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Yên Bái đã huy động được hơn 12.200 tỷ đồng đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư một số công trình trọng điểm, có tác động lớn đến phát triển mở rộng không gian đô thị và kinh tế - xã hội của địa phương.
Một góc tuyến đường nối Quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND ngày 22/4/2016 của HĐND tỉnh; Quyết định số 934/QĐ-UBND ngày 17/5/2016 của UBND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, tỉnh Yên Bái đã xác định tập trung vào thực hiện 3 khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó, có đột phá về đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông nhằm hình thành các tuyến kết nối liên vùng, kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư tại tỉnh Yên Bái.
Theo đó, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã huy động được hơn 12.200 tỷ đồng đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư một số công trình trọng điểm, có tác động lớn đến phát triển mở rộng không gian đô thị và kinh tế - xã hội của địa phương.
Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đầu tư, được đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới gần 300 km đường quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị. Trong đó, có các công trình trọng điểm như dự án đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối nút giao IC12 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên; đường Văn Chấn - Trạm Tấu; đường Âu Lâu - Đông An... Đặc biệt, nhiều cây cầu vượt sông Hồng lần lượt được triển khai xây dựng như: cầu Tuần Quán, cầu Bách Lẫm... đã tác động lớn đến phát triển không gian đô thị và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) ngày càng được mở rộng, cứng hóa, khép kín và hoàn thiện, tạo điều kiện cho việc giao thương, phát triển kinh tế - xã hội và sản xuất, sinh hoạt của nhân dân tại các thôn, bản vùng cao. Tùy điều kiện cụ thể, mỗi địa phương có những cách làm riêng để huy động, vận động nhân dân tham gia làm đường như nơi có đá thì góp đá, có cát, sỏi thì góp cát sỏi, góp công san nền đường, góp tiền, hiến đất...
Những giải pháp đó đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và tạo nên một phong trào làm đường GTNT rộng khắp. Nhờ đó, những tuyến đường bê tông, đường nhựa dần được hình thành, đạt tiêu chuẩn đường miền núi ngày một nối dài và vươn đến tất cả các xã, các bản làng từ vùng thấp đến vùng cao. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh kiên cố hóa được gần 1.800 km đường GTNT, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Hiện, tỉnh đang tiếp tục triển khai các dự án mang tầm chiến lược, liên kết vùng của tỉnh và với các tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc như dự án cầu Cổ Phúc; dự án đường quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC12) với tỉnh lộ 172, tỉnh lộ 173 (đoạn Vân Hội - Đại Lịch - Mỵ)...
Ông Đỗ Văn Dự - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: mạng lưới giao thông đường bộ thực sự trở thành cơ sở hạ tầng quan trọng, huyết mạch đẩy nhanh liên kết các vùng, miền trong tỉnh cũng như kết nối Yên Bái với các tỉnh trong vùng trung du, miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội giúp việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân được thuận lợi hơn, mang lại lợi ích to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh và các tỉnh miền núi phía bắc, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư đến Yên Bái.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra; trong đó, có nhiệm vụ tiếp tục thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng, tỉnh Yên Bái tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch bảo đảm nâng cao chất lượng quy hoạch theo định hướng của Nghị quyết về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, tranh thủ tối đa nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, kết hợp huy động nguồn lực của địa phương, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, từ nhiều hình thức khác nhau để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, ưu tiên tập trung vốn cho các dự án trọng tâm, trọng điểm có sức lan tỏa lớn; thực hiện tốt cải cách hành chính, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, xử lý nghiêm khắc mọi cán bộ công chức có biểu hiện sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp, tạo môi trường thông thoáng thu hút các nhà đầu tư…