Là huyện còn gặp nhiều khó khăn, xác định để phát triển kinh tế - xã hội, từng bước giảm nghèo thì trước hết phải ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông, những năm qua, từ nhiều nguồn vốn, huyện Thông Nông (Cao Bằng) tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Nhờ đó, giao thông trên địa bàn từng bước được kiên cố hóa; nhiều tuyến đường chính, đường liên xã, xóm được nâng cấp, mở rộng.
Lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Thông Nông bê tông hóa đường nông thôn
Những năm trước đây, giao thông trên địa bàn xã Lương Can chủ yếu là đường đất, việc đi lại, giao thương, phát triển kinh tế của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động từng bước cứng hóa đường nông thôn. Các tuyến đường sau khi được hoàn thành đưa vào sử dụng tạo thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ hàng nông sản của bà con. Đặc biệt, tuyến đường từ trung tâm huyện vào trung tâm xã có chiều dài trên 7 km hoàn thành đưa vào sử dụng đã rút ngắn khoảng cách từ xã đến trung tâm huyện, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thôn xóm đổi thay nhiều mặt.
Từ năm 2011 đến nay, bên cạnh số tiền hỗ trợ của Nhà nước trên 30 tỷ đồng, nhân dân trong xã hiến trên 5.000m2 đất, 2.100 ngày công lao động và vật liệu xây dựng, tổng trị giá trên 5 tỷ đồng để làm mới đường từ trung tâm xã đến huyện, bê tông hóa 18km đường, làm 12,8km đường ngõ xóm. Với sự nỗ lực cao của nhân dân trong việc chung tay xây dựng, đến nay Lương Can hoàn thành trên 68% tiêu chí về phát triển hạ tầng giao thông.
Chủ tịch UBND xã Lương Can Hoàng Văn Tân cho biết: Trong công tác làm đường nông thôn, xác định việc quan trọng là giải phóng mặt bằng, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương làm đường với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Sau khi có chương trình, đề án cụ thể, xã họp với các hộ dân lấy ý kiến, tham góp của người dân trong xây dựng kế hoạch và cùng tháo gỡ những vướng mắc... Từ đó, giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân có được sự đồng thuận rất cao, huy động được nguồn lực nhân dân đóng góp làm đường; ngoài việc tham gia ngày công lao động, nhiều hộ hiến từ 100 - 200 m2 đất.
Để thúc đẩy quá trình xây dựng hạ tầng giao thông, huyện chỉ đạo và tập trung nguồn lực thực hiện tốt chương trình trọng tâm của huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 về phát triển giao thông, tạo nền tảng vững chắc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho phát triển giao thông, tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, của tỉnh, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án, đồng thời huy động nguồn lực trong nhân dân bằng nhiều hình thức đóng góp vật tư, phương tiện, hiến đất, hoa màu, ngày công lao động...
Đến nay, toàn huyện có trên 300 km đường, trong đó đường huyện đến trung tâm xã có 10 tuyến được cứng hóa, đường xã cứng hóa đạt 51%, đường liên thôn cứng hóa đạt 45%, đường thôn, ngõ, xóm cứng hóa đạt 40%, đường trục chính nội đồng cứng hóa đạt 23,74%. Bên cạnh đó, huyện tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới, kiên cố hóa kênh mương đảm bảo chủ động tưới tiêu cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi được hoàn thành và đưa vào sử dụng mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của người dân. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện có 60 dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xóm, ngõ, nội đồng…, tổng chiều dài trên 55 km, chiều rộng từ 3,5 - 4 m, tổng mức đầu tư trên 60 tỷ đồng; duy tu, sửa chữa 17 tuyến đường với chiều dài 169 km.
Tuy nhiên, với địa hình miền núi phức tạp, bị chia cắt bởi những dãy núi cao, sông suối, mật độ dân cư thưa, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhu cầu đầu tư lớn trong khi điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn nhiều khó khăn, vì vậy việc đầu tư xây dựng đường liên xã, liên thôn, liên xóm chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng nông thôn mới. Tình trạng nhiều xe quá khổ, quá tải làm hư hỏng, nhất là những tuyến đường huyện, dẫn đến chất lượng đường còn xấu; các cầu trên các tuyến đường xây dựng từ lâu nên tải trọng cầu thấp, chưa đáp ứng tải trọng xe vận tải hiện tại. Do đó cần có nguồn hỗ trợ của trung ương, của tỉnh hằng năm cho chương trình phát triển giao thông trên địa bàn huyện.
Đồng chí Đỗ Văn Thắng, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình phát triển giao thông huyện Thông Nông cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, huy động các nguồn lực trong và ngoài huyện, chú trọng công tác quản lý quy hoạch trong đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020, huyện có tỷ lệ đường nông thôn cứng hóa đạt trên 70%, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội huyện tương đối đồng bộ và theo hướng hiện đại, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.