Hải Phòng hiện có 35 doanh nghiệp cảng biển lớn nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ, xếp dỡ hàng hóa, vận chuyển, kho bãi. Tuy có nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động về cảng biển, song Hải Phòng lại là khu vực yếu về khả năng tiếp nhận tàu, chưa đạt hiệu quả cao về năng lực xếp dỡ… Những lực cản ấy phải xóa bỏ để cảng biển Hải Phòng nâng cao hiệu quả khai thác
Theo thống kê, năm 2011, lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng đạt hơn 43 triệu tấn, cao nhất từ trước tới nay. Đi đôi với đó là nguồn thu từ Hải quan cũng đạt mức kỷ lục hơn 40.000 tỷ đồng. Đến hết tháng 5/2012, lượng hàng hóa đạt gần 20 triệu tấn, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2011. Như vậy có thể thấy, lượng hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng tiếp tục có sự tăng trưởng khá, nhưng chưa thật sự có bước “đại đột phá” như giai đoạn 2006-2010. Vì thế, lượng hàng hóa thông qua tuy tăng theo từng năm, nhưng chưa thật sự cao. Lý do là hiệu quả khả năng khai thác cầu cảng cũng không cao.
Đánh giá của ngành GTVT Hải Phòng cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố có 35 bến cảng với tổng chiều dài hơn 10 km, gồm 13 bến cảng tổng hợp, 11 bến cảng công-ten-nơ và 12 cảng hàng lỏng. Tuy nhiều cảng song năng suất bình quân của 1 m cầu cảng chỉ đạt khoảng 4.000 tấn/năm. Trong khi đó, khả năng thông qua thực tế 1m chiều dài bình quân là 4.500 tấn/m/năm, tương ứng với khoảng 48 triệu tấn/năm. Nếu so với cảng tại khu vưc TP. Hồ Chí Minh với khoảng 5.500 tấn đến 6.000 tấn/m/năm thì lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng vẫn thấp.
Với số chiều dài cầu cảng chiếm 1/4 của cả nước, Hải Phòng được coi là cửa ngõ xuất, nhập khẩu qua cảng biển của miền Bắc. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao trong khai thác cảng biển còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Theo Tổng giám đốc Cảng Hải Phòng Nguyễn Hùng Việt, từ đầu năm 2012 đến nay, lượng hàng hóa thông qua Cảng Hải Phòng đạt khoảng 9,4 triệu tấn, bằng 50,2% mức kế hoạch cả năm, doanh thu khai thác cảng vượt 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan nên nhiều mặt hàng suy giảm, có mặt hàng chỉ bằng 60% sản lượng cùng kỳ năm trước; các hãng tàu cắt giảm chuyến và lượng hàng mỗi chuyến giảm 20%. Hơn nữa, luồng tàu vào cảng bị sa bồi nên chưa thể thu hút tàu lớn, tàu 2 vạn tấn đầy tải chỉ có thể vào được khu vực Đình Vũ, các tàu lớn phải chuyển tải.
Theo Cảng vụ hàng hải Hải Phòng, quy hoạch cảng biển và quy hoạch giao thông luôn đi sau so với sự phát triển của hệ thống cảng biển là những bất cập cần được tháo gỡ. Tại sông Cấm - con sông huyết mạch của hệ thống cảng khu vực Hải Phòng được quy hoạch chưa phù hợp với xu hướng phát triển cảng biển. Qua nhiều năm khai thác, sông Cấm trở thành con sông của các loại bến cảng, vừa là phân khu xếp dỡ hàng hóa, bến công-ten-nơ, vừa là bến chuyên dùng nhỏ lẻ. Đó là chưa kể đến những bến thủy nội địa, bến phà mọc lên ngày một nhiều. Điều này khiến các doanh nghiệp cảng biển rất khó khăn khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng bến cảng cũng như đầu tư vào hệ thống công nghệ bốc xếp. Hiện, chỉ 19% số bến cảng được đầu tư thiết bị hiện đại, còn lại là công nghệ cũ, lạc hậu. Nguyên nhân được chỉ ra là quy hoạch cảng biển chưa được quy hoạch đồng nhất và chưa gắn kết doanh nghiệp cảng biển với chính quyền địa phương trong sự phát triển chung.
Hệ thống giao thông sau cảng cũng là điều đáng bàn. Trong khi vận chuyển hàng hóa sau cảng bằng đường sắt gần như “chết hẳn” (chiếm khoảng 3%), thì đường bộ lại có thế mạnh vượt trội khi chiếm tới khoảng 80% lượng hàng hóa qua cảng biển. Tuy nhiên, hệ thống đường bộ sau cảng phục vụ cho việc vận chuyển và phát triển đô thị Hải Phòng lại đi sau và chưa tương xứng. Do vậy, tình trạng ùn tắc giao thông liên tục xảy ra và để tránh ùn tắc giao thông, thành phố đã cho phép xe công ten nơ đi vào đường đô thị dẫn đến nhiều tuyến đường bị xe chở nặng phá vỡ. Tất cả phải chờ đến khi đường 356 và đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hoàn thành mới cơ bản chấm dứt tình trạng ùn tắc giao thông.
Nâng cao năng lực khai thác của hệ thống cảng biển Hải Phòng phải có sự tham gia của doanh nghiệp và Nhà nước nhằm tạo ra sự đồng bộ. Theo chương trình nghiên cứu của Cảng vụ hàng hải Hải Phòng, để phát triển cảng biển, doanh nghiệp phải chủ động cải tạo nâng cấp cầu cảng để có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn vào làm hàng. Đồng thời, cần nạo vét hạ độ sâu thủy diện, luồng nhánh để đồng bộ với độ sâu luồng quốc gia và xây dựng phương án tiếp nhận tàu lớn cập cảng. Các doanh nghiệp cảng biển cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường các biện pháp quản lý, nâng cao năng suất xếp dỡ hàng hóa, mở rộng công tác tiếp thị và cải cách thủ tục hành chính, không nên để các doanh nghiệp vận tải mất thời gian chờ đợi. Bên cạnh đó, sự phối hợp nhịp nhàng giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cho doanh nghiệp.
Nghiên cứu của Cảng vụ hàng hải Hải Phòng cho thấy, để nâng cao hiệu quả khai thác cảng biển, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước hết sức quan trọng, vì vừa định hướng, vừa đầu tư và đưa ra những thông tin thống nhất, chính xác. Cần phải tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển cảng biển như các hệ thống báo hiệu hàng hải, hệ thống trợ giúp hàng hải, thông báo hàng hải kịp thời diễn biến độ sâu trên luồng, phối hợp chặt chẽ việc lập kế hoạch điều động tàu ra vào cảng làm hàng, tăng cường trách nhiệm của chủ tàu, đại lý và doanh nghiệp. Cùng đó, là việc cải tạo nâng cấp kịp thời cơ sở hạ tầng sau cảng, nhất là hệ thống giao thông, tạo thuận lợi tối đa cho công tác vận chuyển, bốc xếp hàng hóa…/.
Theo báo Hải Phòng