Sáng 26/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế về Chiến lược và giải pháp quy hoạch giao thông đô thị bền vững, do Báo điện tử VietnamPlus phối hợp với Tạp chí Doanh nhân và Truyền hình FujiTV tổ chức.
Hội thảo đã tập trung thảo luận hàng loạt các vấn đề thiết thực như quy hoạch giao thông đô thị của Việt Nam trong 20 năm tới, làm thế nào để Việt Nam tiết kiệm tối đa nguồn lực trong quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho giao thông đô thị, công nghệ về giao thông, mô hình và kinh nghiệm quy hoạch thành phố của một số quốc gia trong khu vực…

Hội thảo Chiến lược và giải pháp quy hoạch giao thông đô thị bền vững
Ông Lý Huy Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) đánh giá, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam cao do dân số tăng nhanh đã gây áp lực lên hệ thống kết cấu hạ tầng mà bộc lộ rõ nhất chính là ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn.
“Kết cấu hạ tầng còn quá kém so với phát triển đô thị, quỹ đất dành cho giao thông thấp, mạng lưới giao thông phân bố không đều, thiếu đường kết nối giữa các trục chính, vận tải hành khách chưa đáp ứng được nhu cầu và tỷ lệ nghịch với sự gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân,” ông Tuấn cho biết.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Nhật Bản cũng đưa ra kinh nghiệm từ chính thực tiễn nước bạn cùng với các công nghệ mới trong quản lý giao thông đô thị cho phát triển bền vững như: công nghệ cảm biến số để kiểm soát giao thông, công nghệ đo lường vệ tinh, giải pháp chống ùn tắc giao thông, Công nghệ tín hiệu giao thông…
Đưa ra thí dụ trong việc tiết kiệm chi phí đi lại, năng lượng và thời gian cho người tham gia giao thông, Công ty NTT cho rằng, người điều khiển phương tiện sẽ tránh được ùn tắc giao thông thông qua thiết bị cảm biến số. Trong khi đó, Công ty Fujitsui cũng đưa ra một giải pháp chống ùn tắc giao thông bằng cách đưa ra mô hình xã hội thông minh lấy con người làm trung tâm.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định, quy hoạch giao thông cần phải đi trước một bước. Muốn vậy, các đô thị cần phải xây dựng chiến lược trong đó xác định rõ mục tiêu, quan điểm nội dung của chiến lược và chính sách phát triển giao thông phải gắn liền với chiến lược phát triển đô thị, kinh tế xã hội của đất nước.
Theo Nhân dân