Các doanh nghiệp đóng tàu tại Hải Phòng nỗ lực vượt khó

Thứ năm, 05/01/2012 07:55 GMT+7
Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) đóng tàu ở Hải Phòng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sản phẩm không tiêu thụ được, thua lỗ kéo dài, nợ nần chồng chất, người lao động không có việc làm... Với sự chỉ đạo, hỗ trợ tích cực của Nhà nước trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp và quyết tâm cao của những người thợ đóng tàu, trong các tháng cuối năm 2011, các tàu biển lớn "made in" Hải Phòng lại tiếp tục hoàn thiện, rẽ sóng ra khơi, nỗ lực vượt qua gian khó.

Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) đóng tàu ở Hải Phòng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sản phẩm không tiêu thụ được, thua lỗ kéo dài, nợ nần chồng chất, người lao động không có việc làm... Với sự chỉ đạo, hỗ trợ tích cực của Nhà nước trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp và quyết tâm cao của những người thợ đóng tàu, trong các tháng cuối năm 2011, các tàu biển lớn "made in" Hải Phòng lại tiếp tục hoàn thiện, rẽ sóng ra khơi, nỗ lực vượt qua gian khó.

Trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có khoảng 50 DN đóng tàu, trong đó có chín đơn vị có quy mô lớn đều thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (CNTT) Việt Nam (Vinashin). Các đơn vị này chiếm hơn một nửa tổng giá trị sản lượng của toàn ngành công nghiệp đóng tàu. Với các tên tuổi vang danh như Bạch Ðằng, Bến Kiền, Nam Triệu, Tam Bạc...,  Hải Phòng trở thành trung tâm cơ khí đóng tàu của cả nước, nơi ra đời nhiều con tàu có trọng tải lớn, các sản phẩm thủy đặc chủng, chuyên dụng đòi hỏi kỹ thuật cao phục vụ nhu cầu vận tải biển, quốc phòng, khai thác dầu khí... của các đơn vị trong nước và ngoài nước. Các DN đóng tàu ở Hải Phòng đã tạo nên dấu ấn trong sự phát triển của ngành đóng tàu trong nước và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cảng.

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, nên các DN đóng tàu đều gặp khó khăn, nhất là các DN thuộc Tập đoàn Vinashin. Nhiều chủ tàu nước ngoài cũng xin hủy đơn hàng, bỏ tàu đã đặt đóng hoặc xin kéo dài thời hạn giao nhận tàu do khó khăn về tài chính và lượng hàng hóa vận tải biển thế giới sụt giảm. Cùng với đó là sự yếu kém trong quản lý, sự đầu tư tràn lan, dàn trải ra ngoài ngành và những sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đã đẩy các DN thuộc Vinashin rơi vào khủng hoảng. Trong năm 2010 và đầu năm 2011, nhiều công xưởng trong các DN đóng tàu im vắng, nhiều con tàu đóng xong không bàn giao được và cũng có nhiều con tàu đóng dở dang đành nằm chờ vốn và tìm khách hàng tiêu thụ mới, vì thế mà các DN nợ nần chồng chất. Không chỉ nợ các đơn vị cung cấp vật tư, nguyên liệu, mà DN còn nợ lương công nhân. Theo đó, hàng nghìn công nhân nơi đây không có việc làm dẫn đến tình trạng phải nghỉ việc hoặc làm luân phiên, đời sống khó khăn. Ngay cả người lao động nghỉ chế độ cũng gặp khó khăn do doanh nghiệp nợ cả bảo hiểm xã hội bắt buộc với số tiền nhiều tỷ đồng. Các DN lớn như Tổng công ty CNTT Nam Triệu, Bạch Ðằng, Phà Rừng... đều trong tình trạng sản xuất cầm chừng. Các DN khác tạm ngừng sản xuất để chờ sáp nhập theo chương trình tái cơ cấu như Công ty CP CNTT Tam Bạc, Công ty CNTT Thành Long, Công ty CP đóng tàu An Ðồng, Công ty CP Nhôm... Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp đóng tàu của Hải Phòng liên tục giảm và ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố.

Thực hiện chủ trương thực hiện tái cơ cấu lại các đơn vị thành viên của Tập đoàn CNTT Việt Nam (Vinashin), các cấp, các ngành thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN đóng tàu trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đầu tư đúng hướng. Ðồng thời rà soát, đánh giá lại tiến độ, hiệu quả đầu tư, đối chiếu với quy hoạch, kế hoạch quản lý chung các dự án ngoài ngành và đề xuất, báo cáo Chính phủ quyết định xử lý theo chương trình tái cơ cấu. Thành phố chủ động chỉ đạo các ngành liên quan như hải quan, thuế, kế hoạch - đầu tư... nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất. Ðồng thời, đề xuất với các bộ, ngành T.Ư, Ngân hàng nhà nước, tổ chức tín dụng khoanh nợ, giãn nợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đóng tàu tiếp tục triển khai nhanh các dự án đầu tư phát triển sản xuất đúng hướng. Nhưng quan trọng nhất là các DN đóng tàu đã tập trung cao trong triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, các DN đóng tàu ở Hải Phòng trực thuộc Vinashin đã tập trung vào đóng mới loại sản phẩm chính, hiện đã có thị trường tiêu thụ và đơn đặt hàng; khôi phục lại hoạt động sửa chữa tàu thủy đã không được quan tâm trong thời gian qua, để tận dụng lợi thế trang thiết bị nhà xưởng và bảo đảm việc làm cho người lao động; dừng triển khai các dự án đầu tư không đúng ngành, nghề, không hiệu quả, để tập trung vốn vào lĩnh vực chính; khẩn trương hoàn thành việc bàn giao các dự án không thuộc lĩnh vực chính cho các ngành, các đơn vị theo chỉ đạo...

Với sự chỉ đạo, hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các cấp, các ngành có liên quan, các doanh nghiệp đóng tàu đã dần từng bước củng cố và ổn định sản xuất. Các DN đóng tàu thuộc Vinashin tại Hải Phòng đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ba lĩnh vực chính theo chỉ đạo. Trong đó, tập trung vào công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển và đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân công nghiệp tàu biển. Ðây là một công việc đầy khó khăn, gian khổ và phức tạp. Các DN đã chuyển nhượng, sáp nhập, giải thể, thoái vốn, bán cổ phiếu những đơn vị kinh doanh không hiệu quả, những công ty không thuộc ngành nghề kinh doanh chính, để tập trung cho ngành nghề sản xuất chính và những đơn vị hoạt động có lãi, nhằm từng bước củng cố, ổn định và phát triển. Tổng công ty CNTT Nam Triệu đã chuyển giao bốn doanh nghiệp, giữ lại ba DN theo đề án tái cơ cấu. Các DN khác như Tổng công ty CNTT Bạch Ðằng, Phà Rừng, Bến Kiền... cũng kiện toàn lại đội ngũ, sắp xếp lại sản xuất cho phù hợp với đề án tái cơ cấu được phê duyệt. Công ty CNTT Bến Kiền chỉ tập trung vào đóng bốn loại sản phẩm chính hiện đã có thị trường tiêu thụ và đơn đặt hàng; có phương án giải thể ba đơn vị thành viên và dừng triển khai hai dự án đầu tư ngoài ngành nghề chính để tập trung vốn vào lĩnh vực đóng mới và sửa chữa tàu. Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Phà Rừng hoàn thành việc bàn giao dự án xây dựng hệ thống cầu, cảng tổng hợp tại Ðình Vũ cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; tận dụng các hạng mục đã hoàn thành của dự án xây dựng Nhà máy đóng tàu Sông Giá bằng cách đưa dây chuyền số 1, phân xưởng vỏ vào sử dụng để đóng mới và sửa chữa tàu, tránh gây lãng phí. Tổng công ty CNTT Bạch Ðằng, ngoài việc nỗ lực hoàn thành các hợp đồng đóng mới tàu cho bạn hàng còn nỗ lực tìm kiếm thị trường cho hai dự án động cơ tàu thủy công suất lớn...

Với sự trợ giúp tích cực từ các ngân hàng và các ngành chức năng theo chủ trương của Chính phủ, hàng loạt dự án đóng tàu dang dở trước đây được tái khởi động lại một cách mạnh mẽ. Hàng loạt hợp đồng mới được ký kết với chủ tàu trong nước và ngoài nước. Các công xưởng, nhà máy của các DN đóng tàu tại Hải Phòng đã hoạt động trở lại. Nhiều DN đã gọi công nhân trở lại làm việc. Từ giữa năm 2011, Tổng công ty CNTT Nam Triệu đã thông báo tiếp nhận tất cả các công nhân lao động có tay nghề phù hợp đã từng làm việc tại DN trước đây, hoặc các DN khác và hàng chục kỹ sư mới ra trường với mức lương hấp dẫn để đáp ứng yêu cầu các đơn hàng trong thời điểm này. Các DN không chỉ hoàn thiện các con tàu đã và đang đóng dang dở trước đó, mà còn mở hướng sang lĩnh vực sửa chữa mà bấy lâu nay bị quên lãng, tận dụng những vật tư có sẵn, dư thừa trước đây cho sản xuất, sửa chữa nhằm tiết kiệm và thu hồi vốn...

Với sự nỗ lực phấn đấu thực hiện đề án tái cơ cấu, trong các tháng cuối năm 2011, các doanh nghiệp đóng tàu tại Hải Phòng đã tạo lập cho mình một khí thế mới. Sau thời gian dài không cho "ra đời" được sản phẩm nào, từ đầu tháng 7-2011, Công ty CP đóng tàu Sông Cấm (Tổng công ty CNTT Bạch Ðằng) đã xuống nước an toàn tàu cao tốc FYS 6711, đóng mới cho tập đoàn Damen (Hà Lan) theo đúng thời hạn, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật. Ðây là tàu cao tốc trợ giúp du thuyền có cấu tạo phức tạp, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật, chất lượng cao được giám sát bởi cơ quan đăng kiểm Lloyds (Vương quốc Anh). Tổng công ty CNTT Bạch Ðằng xuống nước thành công tàu chở hàng 17.500 tấn số 1 mang tên Shinsung Accord và tàu hàng 17.500 tấn số 2 mang tên Shinsung Bright, bàn giao tàu hàng 6.500 tấn Nosco Trader cho Công ty cổ phần vận tải Biển Bắc (Vinalines). Tổng công ty CNTT Phà Rừng bàn giao tàu chở hàng rời 34 nghìn tấn mang tên Four Diamond cho chủ tàu Premuda Group (I-ta-li-a) đưa vào khai thác. Tổng công ty CNTT Nam Triệu khởi động lại dự án đóng tàu chở 6.900 ô-tô cho tập đoàn Blystad (Na Uy). Công ty CNTT Bến Kiền tổ chức lễ bàn giao tàu công-ten-nơ đa năng 9.200 tấn mang tên HC-Menila cho tập đoàn Hanse Capital (CHLB Ðức)...

Trong những ngày cuối năm, không khí sản xuất đã rộn rã trở lại tại công xưởng của các DN. Tổng công ty CNTT Bạch Ðằng đã tổ chức bàn giao tàu chở 4.500 m3 ê-ty-len mang tên Excalibur cho khách hàng I-ta-li-a đưa vào khai thác. Tổng công ty cũng đang khẩn trương thi công tàu chở xi-măng 14,6 nghìn tấn, tàu chở công-ten-nơ 1.700 TEU và các tàu hàng 17,5 nghìn tấn, 22,5 nghìn tấn. Tổng công ty CNTT Phà Rừng bàn giao tàu INLACO EPRESS trọng tải 43 nghìn tấn cho Inlaco Sai Gon (Vinalines) và tàu chở dầu/hóa chất 13 nghìn tấn mang tên PRIME SUN cho chủ tàu đưa vào khai thác. Tổng công ty CNTT Nam Triệu bàn giao năm tàu cho chủ tàu gồm: Tàu OCEAN QUEEN  có trọng tải 53 nghìn tấn đóng mới cho Công ty cổ phần vận tải biển Hoa Ngọc Lan; hai tàu chở công-ten-nơ 700 TEU mang tên NASICO GREEN và NASICO DIAMOND cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; tàu chở công-ten-nơ 260 TEU mang tên NASICO SKY cho Công ty TNHH MTV vận tải biển Nam Triệu; tàu đa năng 9.200 tấn số 3 mang tên HC LARA cho tập đoàn Hanse Capital (CH LB Ðức)...

Ðây mới chỉ là những kết quả bước đầu đáng phấn khởi, đánh dấu chủ trương đúng đắn của Nhà nước trong chỉ đạo, điều hành tái cơ cấu ngành công nghiệp đóng tàu nói chung và các DN đóng tàu tại Hải Phòng nói riêng. Cùng với đó là sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và quan trọng hơn là sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, công nhân, lao động - những người thợ đóng tàu Hải Phòng vững vàng trong thử thách, nỗ lực vượt khó vươn lên. Trong năm 2012 và các năm tiếp theo, đối với các DN đóng tàu ở Hải Phòng vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách. Kinh tế thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng suy thoái, nhất là ngành vận tải biển vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Nhưng với những gì đạt được hôm nay, các DN đóng tàu ở Hải Phòng đang tin tưởng và vững bước hướng tới sự ổn định và phát triển mạnh mẽ hơn của ngày mai, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển - làm giàu từ biển
.



Nhân dân

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)