Theo đánh giá chung, tình hình trật tự an toàn giao thông năm 2011 có nhiều diễn biến phúc tạp do: ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai cùng với tốc độ gia tăng nhanh của phương tiện tham gia giao thông; cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của phương tiện và hoạt động vận tải. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành thực hiện các giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa thường xuyên, liên tục, chưa mạnh mẽ; một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chưa tự giác chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, các hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông, nồng độ cồn; không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy; chưa đủ tuổi, không giấy phép lái xe vẫn điều khiển xe môtô, xe gắn máy; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, mở đường ngang trái phép… còn xảy ra thường xuyên. Vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2011, tai nạn giao thông đã tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2010.
Trước tình hình phức tạp đó, Bộ GTVT đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất chính phủ các nhóm giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tư an toàn giao thông để triển khai thực hiện trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không. Các giải pháp đưa ra rất cụ thể, bao gồm: hoàn thiện chính sách pháp luật; nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông; bảo vệ hành lang an toàn giao thông; tổ chức giao thông, quản lý hoạt động vận tải khoa học, hợp lý; quản lý phương tiện cơ giới cá nhân; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông; tăng cường công tác cưỡng chế xử lý vi phạm; nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các nhóm giải pháp để kiềm chế tai nạn giao thông.
Do triển khai đồng bộ các giải pháp nên tai nạn giao thông những tháng cuối năm 2011 đã có những chuyển biến tích cực. Theo thống kê, 11 tháng đầu năm 2011 trên cả nước đã xảy ra 12.123 vụ tai nạn giao thông, làm chết 10.129 người, bị thương 9.287 người. So với cùng kỳ năm 2010 giảm 356 vụ tai nạn, giảm 259 người chết, tăng 257 người bị thương. Tai nạn giao thông trong tháng 12 tiếp tục được kiềm chế và giảm hơn so với cùng kỳ năm 2010.
Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông mùa Lễ hội xuân Nhâm thìn và cả năm 2012 Bộ GTVT đã có văn bản đôn đốc các cơ quan đơn vị trong toàn ngành triển khai các đợt hoạt động. Trong đó, Bộ giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với các địa phương tham gia các hoạt động và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông với các nội dung trọng tâm:
Tổng cục Đường bộ Việt Nam tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác duy tu, sửa chữa đường bộ, bổ sung và điều chỉnh hợp lý hệ thống báo hiệu đường bộ, xử lý kịp thời các điểm đen mất an toàn giao thông, tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông trên các đoạn đường đèo dốc có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông; tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao trên các tuyến đường bộ vừa thi công vừa khai thác, xử lý nghiêm các đơn vị thi công vi phạm quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, chiếm dụng long đường, lề đường buôn bán cản trở giao thông.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, chỉ đạo các đơn vị quản lý đường thủy nội địa, cảng vụ đường thủy nội địa, phối hợp với các Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn của phương tiện thủy chở khách, đò ngang chở khách, phương tiện thủy chở khách du lịch, chở khách tại vùng lễ hội và điều kiện an toàn của bến khách ngang sông.
Cục đường sắt Việt Nam, Tổng công ty đường sắt Việt Nam, chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn và phòng chống cháy nổ tại các nhà ga, trên tàu; tổ chức tốt việc bán vé tàu cho khách, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách đi tàu, có kế hoạch tăng thêm tàu Tết. Tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông trên các đường ngang, đường sắt; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức người gác cảnh giới an toàn tại các vị trí đường ngang không có người gác, có nguy cơ cao về tai nạn giao thông.
Cục Hàng hải Việt Nam, chỉ đạo tăng cường kiểm tra hoạt động của tàu thuyền, cảng biển, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường; tăng cường quản lý hoạt động vận tải từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam.
Cục Hàng không Việt Nam, chỉ đạo tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn, an ninh hàng không cho hành khách đi máy bay; tăng cường kiểm tra giám sát đôn đốc công tác an ninh, an toàn tại các cảng hàng không, cơ sở cung cấp dịch vụ bay, trên máy bay. Chỉ đạo các cảng hàng không phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương, chấn chỉnh hoạt động chở khách bằng taxi ở khu vực sân bay.
Cục Đăng kiểm Việt Nam, chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm trên toàn quốc tăng cường kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thủy; chủ động và tích cực tham gia vào hoạt động kiểm tra phương tiện vận tải của các lực lượng chức năng ở địa phương.
Thanh tra Bộ, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông trên toàn quốc chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát, chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện xử lý các vi phạm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động vận tải, bảo vệ hành lang an toàn giao thông; giải tỏa hành lang an toàn giao thông, giải phóng vỉa hè lòng đường đô thị, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; tham gia tổ chức hướng dẫn giao thông, phân luồng giao thông, chống ùn tắc giao thông.
Các Vụ, Cơ quan tham mưu của Bộ, phối hợp chặt chẽ với Tổng cục, các Cục, Thanh tra Bộ thực hiện các nhiệm vụ được giao, tăng cường vai trò của cơ quan tham mưu của Bộ, thường xuyên theo dõi, đôn đốc nhắc nhở các đơn vị khắc phục các tồn tại, chậm chễ trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã được giao, đề xuất hoặc báo cáo lãnh đạo Bộ để có chỉ đạo kịp thời.
Các Sở Giao thông vận tải cần tập trung tham mưu, chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ các giải pháp, nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên các lĩnh vực: giải tỏa, bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; kinh doanh vận tải khách bằng ôtô; kinh doanh vận tải du lịch đường bộ, đường thủy; vận tải khách ngang sông bằng đò ngang; bảo đảm ATGT tại đường ngang giữa đường bộ- đường sắt; tăng cường quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, lái tàu; tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn của phương tiện tham gia hoạt động vận tải; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đô thị, đặc biệt là hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè hoạt động kinh doanh.
Với những chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông hết sức đúng đắn của Bộ GTVT, chắc chắn mục tiêu giảm TNGT trong năm 2012 từ 5-10% so với năm 2011 sẽ thành hiện thực.
Nguyễn Nhung