Nằm trong chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân, tạo sức bật nội lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ nay đến năm 2015, tỉnh đầu tư xây dựng hoàn thành tuyến hành lang ven biển phía Nam, cầu Xẻo Rô; nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới một số đoạn tuyến trên quốc lộ 61 và 63 quy mô cấp III; thông tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn I đoạn chạy qua địa bàn; xây dựng hệ thống đê kết hợp giao thông và đường ven biển từ Bình An (Kiên Lương) đến Tiểu Dừa (An Minh). Hoàn thành hệ thống đường trục, đường vòng quanh đảo và những tuyến đường nhánh trên đảo Phú Quốc. Xây dựng một số tuyến đường tỉnh lộ 28, 11, Thứ Hai - Công Sự - Vĩnh Thuận; đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển đường đô thị ở thành phố Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên.
Giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục đầu tư đường Hồ Chí Minh giai đoạn II; xây dựng tuyến đường bộ Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 225 km; tuyến đường bộ ven biển đoạn đi qua địa bàn dài 280 km; đường hành lang biên giới đoạn chạy qua địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn từ cấp IV đến cấp V đồng bằng; quốc lộ 80 đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi quy mô cấp III; đường N1 chạy dọc biên giới Việt Nam - Campuchia đoạn qua địa bàn tỉnh dài 41,3 km. Xây dựng các tuyến liên kết nội vùng…
Đến năm 2020, hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn, kết nối các vùng trong tỉnh và liên tỉnh trong khu vực. Theo đó, góp phần cho tỉnh Kiên Giang khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế có lợi thế như: trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, khai khoáng, du lịch, kinh tế biển đảo, thu hút đầu tư…
Vốn đầu tư cho các dự án công trình giao thông từ ngân sách Nhà nước, Trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn từ các thành phần kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài tham gia; vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm, khuyến kích đầu tư theo hình thức PPP, BT, BOT…/.
TTXVN