Sau hàng nghìn năm thiết kế và xây dựng đường sá, hẳn bạn sẽ nghĩ ngày nay con người đã hoàn toàn nắm rõ các kỹ thuật làm đường tốt nhất. Vậy nhưng thập kỷ vừa qua chúng ta vẫn chứng kiến rất nhiều đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này tại Mỹ. Từ năm 2009, một loại đường giao nhau kiểu mới đã bắt đầu càn quét 22 bang của nước này và hiện vẫn còn rất nhiều công trình như vậy đang được thi công.
Được gọi là “giao lộ phân nhánh hình kim cương” (Diverging Diamond Interchange - DDI), cách sắp xếp đường kiểu mới này là một công cụ thông minh giúp giải quyết những đoạn rẽ nguy hiểm nhất trên bất cứ giao lộ cao tốc nào.
Theo Carlos Sun, một kỹ sư xây dựng và môi trường thì “Sức mạnh của các khúc giao DDI nằm ở khả năng cho phép các xe rẽ trái không cần đụng đầu những xe đi làn đối diện như trên các giao lộ thông thường.”
Các đoạn ngoặt trái không chỉ nguy hiểm mà còn khiến lái xe phải mạo hiểm quẹo đầu phương tiện một góc 90 độ - chắc chắn không hề hiệu quả. Tại những đoạn đường giao nhau đông đúc, tài xế liên tục phải mất thời gian tại các chốt đèn giao thông dày đặc để chờ những người muốn rẽ trái.
Trên các nút giao thông thường như thế này, các xe muốn rẽ trái đều dễ đụng phải xe đi từ hướng đối diện hoặc phải chờ đèn đỏ rất lâu
Có nhiều sơ đồ minh họa cho lối sắp xếp DDI kiểu mới, nhưng thực chất bạn hãy hiểu đơn giản đi trên DDI sẽ thế này: bạn lái xe ra từ làn phải của con đường. Đầu tiên, bạn chờ đèn đỏ cho những xe đi từ hướng đối diện ra có thể chuyển sang làn trái cung đường của. Sau đó đèn bên họ cũng chuyển đỏ và đến lượt bạn chuyển qua làn trái cung đường của họ. Các xe hòa vào nhau hoặc tách ra hướng các hướng nhỏ riêng được chia sẵn theo mũi tên vẽ trên đường. Trong khi đó, một đường cao tốc sẽ được bố trí ở tầng trên những con đường kể trên, cho phép hiều phương tiện đi qua khu vực đó hơn. Đi lại giữa các cung đường này chưa bao giờ dễ dàng đến thế.
Sơ đồ vận hành của nút giao DDI kiểu mới
Người đặt nền móng cho loại giao lộ kim cương này là một chàng trai có tên Gilbert Chlewicki. Khi còn là một sinh viên cao học năm 2000, Chlewicki đã viết bài luận về một hệ thống sắp xếp giao thông kiểu mới. Sau đó, anh đã tới Pháp và rất bất ngờ khi chứng kiến những chiếc xe buýt chở du khách di chuyển trôi chảy qua một nút giao hình kim cương tại ngoại ô Versailles. Trên thực tế, Pháp đã đi tiên phong về hệ thống giao thông này từ những những năm 1970, nhưng giao lộ DDI vẫn được coi là khám phá của Chlewicki bởi công sức của anh trong việc khiến nó trở nên thịnh hành tại Mỹ. Đến nay, loại giao lộ này đang cực hot tại các bang như Utah hay Missouri, nơi người dân thường xuyên phải di chuyển đường dài.
Với nút giao DDI, những xe đi ra từ hướng nam hay bắc muốn rẽ trái sẽ đi theo đường màu xanh, theo chiều mũi tên đỏ, không hề đụng đầu các xe đi làn đối diện (Vạch màu vàng: nơi các xe dừng chờ đèn đỏ)
Năm ngoái, Sun và các chuyên gia về giao thông vận tải từ nhiều nước khác nhau đã thành lập một nhóm phân tích so sánh mức độ an toàn của các giao lộ DDI so với các giao lộ thiết kế theo lối hình kim cương truyền thống.
Trong số 7 nút giao được kiểm tra, 5 nút đã có những cải thiện đáng kể về độ an toàn. Về tổng thể, các kỹ sư kết luận rằng giao lộ phân nhánh hình kim cương có thể giảm tới 33% tỷ lệ tai nạn. Những tai nạn có thể xảy ra cũng khá nhẹ và không làm chết người. Các tai nạn nặng ở mức hiểm nghèo giảm tới 60%. Thiệt hại về tài sản giảm 50%. Mặc dù những con số này tưởng như có thể khiến cánh tài xế chủ quan thì các nhà nghiên cứu cũng nhận ra rằng các lái xe hầu như không bao giờ đi sai trên những giao lộ kiểu này. Nếu họ có phạm lỗi – thường là vào ban đêm – thì các tai nạn cũng thường không mấy nặng nề.
Tại Mỹ, phương thức thiết kế này nhanh chóng nhận được sự chú ý. Sun và các đồng sự cho biết sẽ còn cần nhiều nghiên cứu nữa mới có thể khẳng định đây là loại hình giao lộ an toàn nhất hiện nay, nhưng những kết quả sơ bộ đạt được đã rất khả quan, đối với cả người lái ô tô lẫn xe đạp và người đi bộ.
Tham khảo Wired