Chọn phương án hoa sen cho Nhà ga hành khách sân bay Long Thành
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐQT TCT Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh cho biết, phương án kiến trúc Nhà ga hành khách CHK quốc tế Long Thành đã được tổ chức lấy ý kiến cộng đồng trực tiếp tại 4 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh) cũng như lấy ý kiến của các tổ chức; các hội nghề nghiệp (Hội Kiến trúc sư, Hội Quy hoạch đô thị, Tổng hội xây dựng, Hội Khoa học kỹ thuật hàng không).
Ban Cán sự đảng Bộ GTVT họp bàn "chốt" phương án Nhà ga CHK QT Long Thành
Theo đó, 3 phương án được lựa chọn nhiều nhất gồm LT07 - Lá dừa nước; LT03 – Hoa sen và LT04 - Vật liệu tre. Đây cũng chính là các phương án được Hội đồng đánh giá xếp hạng đánh giá cao.
Được biết, trước khi báo cáo và nhận được sự thống nhất của Thường trực Chính phủ, Bộ GTVT đã thành lập Tổ tư vấn lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách CHK quốc tế Long Thành theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Tổ tư vấn gồm 26 chuyên gia đến từ các Bộ, ngành và hội nghiệp liên quan, do Cục trưởng Cục Hàng không VN là Tổ trưởng.
Ngày 7/4, Tổ tư vấn đã tiến hành bỏ phiếu lựa 1 trong 3 phương án thiết kế kiến trúc đã được Hội đồng thi tuyển kiến trúc CHK quốc tế Long Thành lựa chọn trước đó. Theo đó, phương án phương án LT-03 (lấy ý tưởng từ hình ảnh hoa sen cách điệu) của Tư vấn Heerim Architects & Planners Co.Ltd (Hàn Quốc) đạt 13 phiếu chọn (tỉ lệ 59,09%), vượt qua 2 phương án còn lại để dẫn đầu trong danh sách và được Tổ tư vấn thống nhất lựa chọn.
Phương án LT-04 (lấy ý tưởng nội thất chính là sử dụng vật liệu tre) của Liên danh Japan Airport Consultants Inc - ADP Ingeniere - Shigeru Ban Architects (Nhật Bản và Pháp) đạt 6 phiếu bầu chọn (tỉ lệ 27,27%). Phương án LT-07 (lấy ý tưởng từ hình ảnh lá cọ, dừa nước) của Liên danh CPG Consultants Pte. Ltd -PAE Limited - Azusa Sekkei (Singapore - Việt Nam - Nhật Bản) đạt 3 phiếu bầu chọn (tỉ lệ 13,64%).
Được biết, Thường trực Chính phủ sau đó đã giao Bộ GTVT lựa chọn phương án trên cơ sở kết quả của Hội đồng đánh giá xếp hạng và Tổ tư vấn.
Báo cáo Ban cán sự, ông Lại Xuân Thanh và Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng kiến nghị Bộ GTVT xem xét lựa chọn phương án Bông sen đưa để đưa vào hồ sơ mời thầu tư vấn lập báo cáo khả thi (FS).
Trước đó, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp ngày 28/6 của Thường trực Chính phủ về việc lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng nhà ga CHK quốc tế Long Thành.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ VH,TT&DL, các Hiệp hội nghề nghiệp (Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và Hội Khoa học & Công nghệ Hàng không Việt Nam) và các cơ quan liên quan tổ chức hoàn thiện phương án thiết kế kiến trúc (đã được Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét, thông qua) trong quá trình tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 Dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành.
Cũng tại buổi làm việc của Ban Cán sự, Tổng Giám đốc ACV cho rằng việc chỉnh sửa một số chi tiết của phương án chọn là cần thiết để có được một thiết kế hoàn hảo nhất cho nhà ga. Tuy nhiên, đang có vướng mắc nảy sinh theo quy định về quyền tác giả và trong quá trình chỉnh sửa, vẫn phải có sự đồng ý của tác giả nên kiến nghị Bộ GTVT đồng ý cho ACV đàm phán với tư vấn thiết kế về việc chỉnh sửa này.
Cơ bản đồng ý với đề xuất của Cục Hàng không và ACV, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chỉ đạo các đơn vị này cần tiếp tục lấy ý kiến bộ ngành để bổ sung, tìm phương án hoàn chỉnh nhất cho nhà ga hành khách sân bay Long Thành trước khi chọn tư vấn lập báo cáo khả thi (FS).
Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cũng nhấn mạnh, việc chỉnh sửa phải căn cứ thể lệ cuộc thi, quyền tác giả để bảo tính pháp lý.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm
Báo cáo tại buổi làm việc của Ban cán sự đảng Bộ GTVT về Dự án trên cao đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Lê Kim Thành cho biết, một trong những vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ Dự án chính là thiếu vốn.
Cụ thể, theo ông ông Lê Kim Thành, Hiệp định vay bổ sung 250 triệu USD đã được ký kết ngày 11/5 nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Để hoàn thiện các thủ tục hiệu lực cho khoản vay, Bộ Tài chính đã gửi Bộ Tư pháp thư của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đề nghị phía Việt Nam cho ý kiến đối với mẫu ý kiến pháp lý. Bộ GTVT sau đó cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính hỗ trợ các thủ tục cho khoản vay bổ sung này.
Ngày 16/6/2017, Bộ Tư pháp và China Eximbank đã họp, tuy nhiên các bên vẫn chưa thống nhất ý kiến. “Để Dự án hoàn thành theo kế hoạch, dự kiến đưa vào khai thác thương mại trong Quý I/2018, Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đề nghị Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính để thống nhất với Eximbank Trung Quốc, ký hợp đồng vay vốn và triển khai giải ngân trong tháng 7/2017 cho Dự án” – ông Thành kiến nghị.
Đồng chí Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ GTVT chủ trì buổi họp
Được biết đến nay, Dự án đường sát trên cao Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành hơn 94% khối lượng xây lắp, trong đó phần hạ tầng chạy tàu đã cơ bản hoàn thành. Về mua sắm thiết bị và đoàn tàu, hiện tại đã đóng xong 13 đoàn tàu tại Bắc Kinh và chuyển 1 đoàn tàu trưng bày tại ga La Khê.
Sau khi nghe các đồng chí Thứ trưởng và lãnh đạo các đơn vị có ý kiến về Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông; Xây dựng cao tốc Bắc – Nam nhánh phía Đông và mở rộng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa yêu cầu các đồng chí Thứ trưởng phụ trách các dự án cần rà soát, có kiến nghị với Chính phủ thúc đẩy nhanh việc giải ngân cho Dự án.
"Vì nếu chậm giải ngân thì phần thiệt thòi sẽ là Tổng thầu Trung Quốc, chứ không phải phía Việt Nam. Quan điểm của Bộ GTVT là với vị trí cơ quan quản lý Ngành của Chính phủ, Bộ GTVT luôn tạo điều kiện tốt nhất và hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện nhiệm vụ liên quan đến Ngành GTVT, tuy nhiên tất cả phải trên lợi ích của cả đôi bên, theo đúng quy định của pháp luật và các điều khoản của Hợp đồng đã ký kết", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Đối với Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa yêu cầu các đơn vị liên quan, nhất là Cục QLXD&CL CTGT khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho Bộ GTVT là thực hiện rà soát, phê duyệt điều chỉnh dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư của dự án đã được phê duyệt; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về số liệu báo cáo; chủ động cân đối trong kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ Giao thông vận tải để bổ sung phần vốn còn thiếu cho Dự án sau khi điều chỉnh.
“Bên cạnh đó, các đơn vị phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ về vốn đối với Hàn Quốc; bổ sung khối lượng cụ thể đối với các gói thầu cho từng nhà thầu để tạo thuận lợi cho việc triển khai Dự án theo kế hoạch”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chỉ đạo.
Được biết, Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (có điểm đầu tại Km02+104.11 thuộc địa bàn quận Thốt Nốt-TP.Cần Thơ (được kết nối với điểm cuối gói thầu CW3B thuộc Dự án xây dựng cầu Vàm Cống); điểm cuối tại Km53+279 thuộc địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang (kết nối với Dự án tuyến tránh Rạch Giá đã hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2014). Việc kịp thời đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và Dự án sớm hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa giữa các tỉnh Tây Nam Bộ với Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Nam Bộ và của cả nước.
Liên quan đến Dự án trọng điểm xây dựng cao tốc Bắc Nam nhánh phía Đông, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu các cơ quan nhanh chóng tiến hành các nội dung, nhiệm vụ theo chủ trương mà Quốc hội đã cho ý kiến.
"Đặc biệt lưu ý đến thời hạn của từng khâu, từng quy trình trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Khâu nào, việc nào gửi đến cơ quan nào ngoài Bộ phải rõ ràng, lưu ý đúng hạn, có thế mới đẩy nhanh được tiến độ Dự án", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu.
H.Lâm