Nhiều hạng mục Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn ngổn ngang, đợi vốn
để tiếp tục thi công (Công trường khu Depot Hà Đông)
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã chốt thời gian vận hành thử nghiệm là tháng 10/2017 và khai thác thương mại trong năm 2018 để giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội. Dù công trình đã đạt được 94% giá trị xây lắp nhưng mốc tiến độ trên vẫn khó đạt được nếu việc giải ngân 250,6 triệu USD vốn bổ sung tiếp tục bị chậm trễ.
Người dân Thủ đô mong ngóng
Tháng 5- 6/2017 vừa qua, ga La Khê - nhà ga đầu tiên thuộc Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đã cơ bản hoàn thành và mở cửa đón người dân Thủ đô tham quan ga, đoàn tàu mẫu của dự án. Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước được triển khai, thuộc dự án trọng điểm quốc gia, với mục tiêu thực hiện từng bước theo quy hoạch phát triển giao thông Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đô thị.
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), thời điểm này dự án đã đạt 94% giá trị xây lắp và việc phục vụ tham quan dự án nhằm đáp ứng sự mong đợi của đông đảo người dân Thủ đô về việc sớm đưa tuyến đường sắt đô thị đầu tiên vận hành thử vào tháng 10/2017 như kế hoạch của Bộ GTVT. Con số khoảng 4.000 người đến tham quan tại nhà ga La Khê trong những ngày mở cửa hay sự quan tâm, nhiều ý kiến đóng góp về mô hình đoàn tàu được tổ chức năm 2015 cũng phần nào nói lên điều đó.
Thời gian qua, Bộ GTVT đã nhiều lần giải trình với Bộ Tài chính, Tư pháp và Ngân hàng XNK Trung Quốc để đàm phán các điều khoản liên quan đến pháp lý của 2 nước. Bộ GTVT cho rằng, cần có sự khẩn trương, quyết liệt hơn nữa từ các bộ, ngành liên quan trong việc giải quyết các vướng mắc về thủ tục để khơi thông nguồn vốn 250,62 triệu USD cho dự án. |
Ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban QLDA đường sắt cho biết, theo kế hoạch đã được Bộ GTVT phê duyệt, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được đưa vào vận hành thử liên động từ tháng 10/2017 và chính thức khai thác thương mại trong năm 2018. Vì vậy, đây cũng là khoảng thời gian đòi hỏi các đơn vị tham gia dự án tập trung cao độ để đáp ứng các mốc tiến độ của tuần, hàng tháng.
“Ban QLDA luôn túc trực và trực tiếp có mặt tại công trường Depot, các nhà ga để đôn đốc, chỉ đạo thi công và giải quyết vướng mắc phát sinh. Tổng thầu, các nhà thầu phụ đang có những cố gắng, tích cực trong thi công hoàn thiện các hạng mục xây lắp. Các hạng mục thiết bị, phương tiện của dự án đang được triển khai theo kế hoạch”, ông Phương nói và cho biết, Ban QLDA cũng đang tập trung chuẩn bị cho công tác vận hành, khai thác dự án, phân khai phạm vi công việc của các bên (Tổng thầu, Tư vấn giám sát, Metro Hà Nội) để hoàn thành quy trình quản lý, vận hành, khai thác.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu trong Hội nghị ATGT Quốc gia vừa qua cũng cho biết, Hà Nội xác định việc đẩy nhanh triển khai và đưa vào vận hành đường sắt đô thị là giải pháp vừa có tính cấp bách và lâu dài để giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2017-2020. Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng là yếu tố quan trọng để Hà Nội triển khai Đề án dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030 mà HĐND thành phố thông qua mới đây.
Tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông khi đưa vào hoạt động sẽ giảm ùn tắc cửa ngõ phía Tây Hà Nội
Vẫn còn nguy cơ chậm tiến độ
Dù dự án đang trong giai đoạn cuối cùng để cán đích, nhưng thời gian để vận hành thử và khai thác chính thức không còn nhiều. Ghi nhận của phóng viên, các hạng mục quan trọng như Depot, hoàn thiện và lắp đặt hệ thống thiết bị các nhà ga... vẫn ngổn ngang, thậm chí phương tiện, nhân lực thi công tại một số công trường, nhà ga ít đi so với đầu năm. Điều này khiến dư luận nghi ngờ việc dự án kịp đưa vào vận hành thử, khai thác như kế hoạch mà Bộ GTVT đã đề ra?
Liên quan vấn đề trên, lãnh đạo Bộ GTVT thẳng thắn cho rằng, nguy cơ dự án không đạt tiến độ như kế hoạch mà Bộ GTVT đã đưa ra rất có thể xảy ra và cũng đã được nhận diện để tìm cách tháo gỡ. “Dự án đang trong giai đoạn cuối cùng để hoàn thành theo kế hoạch, nhu cầu về nguồn vốn để giải ngân cho các hạng mục còn lại rất lớn, nhưng việc cung cấp nguồn vốn đang bị chậm trễ. Đây là vấn đề quyết định đến tiến độ dự án trong giai đoạn hiện nay”, lãnh đạo Bộ GTVT nói và cho biết việc chậm trễ, vướng mắc chủ yếu liên quan đến vấn đề thủ tục, cần sự khẩn trương phối hợp giải quyết giữa các bộ, ngành trong nước.
“Hiện, việc khơi thông nguồn vốn đã bị chậm 3 tháng so với kế hoạch và đang tiếp tục nguy cơ chậm trễ tiếp”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết thêm.
Cụ thể, dự án sử dụng nguồn vốn vay của Trung Quốc gồm: Vay tín dụng ưu đãi Chính phủ 1,2 tỷ Nhân dân tệ, vay tín dụng ưu đãi bên mua 250 triệu USD và vay tín dụng ưu đãi Chính phủ (bổ sung) 250,62 triệu USD. Trong đó, nguồn vốn vay bổ sung 250,62 triệu USD mới đang được các Bộ Tư pháp, Tài chính kiểm tra, xem xét và làm việc với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc để hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan.
Về phía tổng thầu, việc chậm trễ nguồn vốn cũng khiến tổng thầu gặp nhiều khó khăn, phải ứng trước nguồn vốn bằng hình thức vay trả lãi. “Do quá trình thanh toán giải ngân, kí kết hiệp định vay bổ sung chưa được giải quyết và thực hiện kịp thời, dẫn đến các khoản nợ đọng thầu phụ, nhà cung ứng thiết bị của Tổng thầu EPC tương đối lớn. Vì thế, dự án đang đối mặt với áp lực nguồn vốn thiếu hụt nghiêm trọng và nguy cơ không thể hoàn thành theo đúng tiến độ đã đề ra”, đại diện Tổng thầu EPC cho biết.
Theo Ban QLDA đường sắt, hiện đơn vị này đang bám sát, làm cầu nối trao đổi của giữa các bộ, ngành trong nước và ngân hàng Trung Quốc, kịp thời báo cáo các vướng mắc để thúc đẩy hiệp định vay vốn có hiệu lực sớm nhất.