Thứ trưởng Lê Đình Thọ dự và chủ trì Hội nghị
Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Quyết định 994 từ năm 2014 - 2017 đối với lĩnh vực đường sắt, ông Đới Sỹ Hưng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trong giai đoạn từ năm 2014 - 2017, do mới được bố trí vốn 280/560 tỷ (50%) của hạng mục 291 đường ngang, còn các hạng mục khác chưa được bố trí vốn (hạng mục đền bù giải tỏa hành lang an toàn đường sắt 0/20.700 tỷ; hạng mục cắm mốc hành lang an toàn giao thông đường sắt 0/25 tỷ; hạng mục đường gom và hàng rào cách ly 0/1.280 tỷ; hạng mục cầu đường bộ tách khỏi cầu chung đường sắt 0/793 tỷ; hạng mục cầu trên Quốc lộ vượt đường sắt Quốc gia 0/3.000 tỷ) nên hầu hết các dự án, công trình an toàn giao thông chưa được triển khai, hoặc triển khai thực hiện chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Đới Sỹ Hưng cũng cho biết, mặc dù nguồn kinh phí được cấp để thực hiện các hạng mục theo Quyết định 994 là 26.358 tỷ, nhưng mới được cấp cho hạng mục nâng cấp, sửa chữa đường ngang 280 tỷ; tất cả các đường ngang sau khi được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đã đảm bảo độ êm thuận, thanh thoát và cảnh báo, cung cấp đầy đủ các tín hiệu báo hiệu cho người và phương tiện tham gia giao thông đảm bảo tuyệt đối an toàn; một số địa phương đã chủ động đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống đường gom, hàng rào cách ly dọc đường sắt; công tác tuyên truyền đã giúp người dân nhận thức sâu sắc về luật lệ ATGT đường sắt; tình hình TNGT đường sắt năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 đã giảm cả 3 tiêu chí.
Về nhiệm vụ trong giai đoạn 2017 - 2020, ông Đới Sỹ Hưng cho biết, thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 21/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý,lập lại trật tựu hành lang đường bộ, đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tập trung hoàn thành nâng cấp 93 đường ngang đã được phê duyệt và bố trí vốn; xây dựng 150km hàng rào cách ly, đường gom để đóng 2000 lối đi dân sinh; nâng cấp cải tạo 452 đường ngang biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động lắp cần chắn tự động...
Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xác định, trách nhiệm trước tiên trong đảm bảo an toàn đường sắt là của đường sắt, là nhiệm vụ trọng tâm nhất, vì vậy, Tổng công ty phân định rõ trách nhiệm và xây dựng giải pháp đối với từng đường ngang, lối đi tự mở; gắn trách nhiệm với từng đơn vị của địa phương, cũng như của Tổng công ty, trong đó ưu tiên giải pháp giảm TNGT đường sắt.
Hội nghị nghe nhiều ý kiến phát biểu của Lãnh đạo UBATGTQG, đại diện các bộ, ban, ngành và địa phương
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, cần tập trung vốn xử lý dứt điểm hạng mục công việc xây hàng rào, đường gom ngăn cách đường bộ - đường sắt để cơ bản đóng hoàn toàn các lối đi dân sinh; phần việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương thì địa phương phải tìm cách thực hiện. trong trường hợp, không có kinh phí để xây hàng rào, đường gom thì địa phương phải tổ chức cảnh giới để bảo đảm ATGT.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá có 8 nội dung theo Quyết định 994, nhưng có những hạng mục công việc khi xây dựng kế hoạch chưa sát với tình hình thực tế nên hiệu quả chưa cao.
" Tuy nhiên, có những công việc trực tiếp liên quan đến ATGT, tăng cường quản lý Nhà nước thì chưa thể hiện", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Thứ trưởng yêu cầu rà soát, lựa chọn thứ tự ưu tiên những công việc cụ thể phải làm, trong đó đảm bảo hành lang ATGT đường sắt là một trong những giải pháp cần thực hiện ngay. Bên cạnh đó, nhân rộng một số giải pháp tích cực, hiệu quả; theo từng điều kiện cụ thể ở từng địa phương để có giải pháp linh hoạt, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng công an...
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 994/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020. Mục tiêu nhằm duy trì kết quả đã thực hiện được trong giai đoạn I, giai đoạn II Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007; đồng thời, điều chỉnh Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt phù hợp với yêu cầu thực tế và quy định của pháp luật hiện hành.
Tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của hành lang và quản lý hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật trong việc giữ gìn hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Tiếp tục xác định và duy trì hệ thống hành lang an toàn đường bộ, hệ thống hành lang an toàn đường sắt; hoàn thành việc xây dựng hệ thống đường gom, đường nhánh đấu nối vào quốc lộ, đường ngang đường sắt, các công trình phụ trợ bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt nhằm đảm bảo ATGT, góp phần giảm TNGT đường bộ, đường sắt.
Xuân Nguyên