Bốc dỡ hàng container tại Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT)
(thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Văn bản do Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu ký nêu rõ, để chủ động nắm bắt cơ hội, có giải pháp giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với Việt Nam theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Chỉ thị 16), Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển chủ động đề xuất các dự án, chương trình của doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu về đổi mới mô hình quản lý, sản xuất, tối ưu hóa mô hình kinh doanh. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp thiết lập chuỗi cung ứng và hậu cần logistics thông minh trong mạng lưới chuỗi giá trị toàn cầu và mô hình thuế quan mới.
Ngoài ra, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan phải bám sát, tích hợp những công nghệ mới để tập trung đầu tư phát triển doanh nghiệp, đề xuất các cơ chế, chính sách về thuế, tài chính nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển và đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các công nghệ tiên tiến khác.
Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các đơn vị trên cần chủ động trao đổi với một số công ty, viện nghiên cứu, các tổ chức tư vấn nghiên cứu và ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý quá trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, độ tin cậy, tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ tại cảng biển.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng yêu cầu các Hiệp hội cảng biển, chủ tàu, đại lý và môi giới hàng hải, logistics với vai trò là đầu mối phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, thực hiện Chỉ thị 16 cho các doanh nghiệp. “Các Hiệp hội cần nhận thức, hiểu đúng bản chất, từ đó xác định được hướng tiếp cận đúng, đặc biệt là phương án ứng xử phù hợp đối với cơ hội và thách thức của cuộc Cách mạng 4.0 nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp thành viên”, Cục Hàng hải đề nghị.