Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp

Thứ ba, 21/07/2009 08:17 GMT+7
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Yêu cầu của cải cách tư pháp là xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch vững mạnh, đảm bảo công bằng, nghiêm minh, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa
Ngày 20/7, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tổ chức hội thảo về các đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp chủ trì hội thảo.
 
Tại hội thảo, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về đề án thành lập toà án sơ thẩm khu vực, toà án phúc thẩm, toà án thượng thẩm, đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án Nhân dân tối cao. Đây là vấn đề trung tâm của tiến trình cải cách tư pháp. Ý kiến chung là toà án phải độc lập xét xử, cần tổ chức toà án theo thẩm quyền xét xử, không theo mô hình cấp trên- cấp dưới. Việc tổ chức toà án khu vực không nên căn cứ vào tiêu chí số lượng án mà nên căn cứ theo đơn vị hành chính của từng địa phương cụ thể.
 
  Về tổ chức hệ thống toà án nhân dân, có 2 ý kiến. Ý kiến thứ nhất là tổ chức hệ thống toà án theo 4 cấp gồm: Toà án sơ thẩm khu vực được thành lập trên cơ sở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện trong địa giới hành chính của một tỉnh, thành phố; Toà án phúc thẩm được xác định là toà án nhân dân cấp tỉnh, được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm các vụ án mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của toà án sơ thẩm khu vực bị kháng cáo, kháng nghị; Toà án thượng thẩm được tổ chức theo khu vực trên cơ sở một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; Toà án nhân dân Tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm.
 
Ý kiến thứ hai đề nghị tổ chức hệ thống toà án theo 3 cấp gồm: Toà án nhân dân tối cao, toà án phúc thẩm và toà án sơ thẩm khu vực. Mỗi cấp có thẩm quyền riêng biệt, hoàn toàn không phụ thuộc vào địa giới hành chính nhằm đảm bảo cho toà án thực sự độc lập trong việc xét xử.
 
Cũng tại hội thảo, các đại biểu góp nhiều ý kiến về đề án tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân trong tiến trình cải cách tư pháp; về đề án mô hình cơ quan điều tra cấp huyện và đổi mới hệ thống cơ quan điều tra phù hợp với việc đổi mới tổ chức toà án theo thẩm quyền xét xử.
 
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến, nghiên cứu, chỉnh sửa dự thảo đề án. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, yêu cầu của cải cách tư pháp là xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch vững mạnh, đảm bảo công bằng, nghiêm minh, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa. Cải cách tư pháp cố gắng nhanh nhưng cũng phải thận trọng, chắc chắn. Xây dựng tổ chức cơ quan tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp cần gắn với công tác cán bộ, đảm bảo đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp giỏi chuyên môn, ngoại ngữ và có tâm trong sáng./.
VOVNEWS
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)