Sáng ngày 16/10/2009, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã chủ trì Hội nghị chuyên đề về công tác Pháp chế ngành GTVT. Đến dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đại diện các cơ quan Trung ương và ngành Tư pháp. Về phía Bộ GTVT có Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT và các cơ quan thông tin báo chí.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định nhiệm vụ quan trọng nhất trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải là xây dựng pháp luật và tổ chực hiện pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải, tạo hành lang pháp lý cho mọi tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các tổ chức pháp chế và cán bộ làm công tác pháp chế ngành Giao thông vận tải trong nhiều năm qua đã cố gắng để thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Sở thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Các tổ chức và cán bộ làm công tác pháp chế trong các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải cũng góp phần giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả.
TS. Trịnh Minh Hiền trình bày báo cáo
TS. Trịnh Minh Hiền, Vụ trưởng Vụ Pháp chế trình bày báo cáo chuyên đề về công tác pháp chế ngành GTVT. Báo cáo đã tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ngành GTVT, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động pháp chế và các đề xuất, kiến nghị đối với Bộ Tư pháp, Bộ GTVT và các Cục, Sở GTVT, các doanh nghiệp GTVT.
Hội nghị đã nghe báo cáo tham luận của các đơn vị Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT Tp. Hồ Chí Minh, Sở GTVT Kon Tum, Sở GTVT Thừa thiên Huế, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam...

Hội nghị chuyên đề PC năm 2009
Bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đánh giá cao kết quả đã đạt được của các tổ chức pháp chế, cán bộ làm công tác pháp chế trong ngành GTVT. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác pháp chế trong ngành còn có một số tồn tại cần được khắc phục như: một số Cục chưa có bộ phận pháp chế đủ mạnh để tiến hành thẩm định các dự thảo VBQPPL trước khi trình Bộ, nhiều Sở GTVT chưa có tổ chức pháp chế hoặc chưa có cán bộ pháp chế chuyên trách theo quy định của Chính phủ, năng lực của một số cán bộ làm công tác pháp chế còn yếu; nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của ngành còn thiếu hoặc chưa có các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh; chất lượng và tiến độ xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật còn chưa tốt, chưa theo kịp với đòi hỏi thực tế của công tác quản lý nhà nước; có những văn bản đã qua thẩm định nhưng vẫn còn sai sót; nhiều cơ quan, đơn vị chưa phát huy hết thế mạnh của tổ chức pháp chế; việc kiểm tra các hợp đồng kinh tế còn chưa triệt để dẫn đến các tranh chấp phát sinh gây bất lợi cho doanh nghiệp trong ngành...
Trên cơ sở đánh giá những kết quả chung đã đạt được, những tồn tại, nhược điểm và từ kiến nghị, đề xuất của các đại biểu dự Hội nghị. Bộ trưởng yêu cầu phải nâng cao hơn nữa nhận thức, đặt công tác pháp chế đúng vị trí và tầm quan trọng của nó trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ. Cần tăng thêm kinh phí, biên chế cho công tác pháp chế, có chế độ đãi ngộ như một công việc đặc thù cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các tổ chức pháp chế; Hàng năm, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác pháp chế để nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ngành GTVT.
BBT