Ứng dụng radar phát hiện chướng ngại vật nhằm kéo giảm TNGT đường sắt

Thứ sáu, 04/11/2022 12:22 GMT+7

Để kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt và đảm bảo an toàn chạy tàu, các đơn vị đang không ngừng đưa vào ứng dụng công nghệ mới.

Tai nạn đường sắt xảy ra nhiều vì... nhiều đường ngang

Những năm qua, tai nạn giao thông đã trở thành một vấn nạn quốc gia. Mỗi năm, nước ta có hàng chục nghìn người chết và bị thương, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu TNGT, tuy nhiên kết quả chưa được như kỳ vọng. Riêng đối với đường sắt, tuy nó là một ngành vận tải được đánh giá là có độ an toàn cao, nhưng trên những tuyến đường sắt vẫn đang còn xảy ra nhiều vụ TNGT đáng tiếc.

Do các đường ngang chưa có thiết bị cảnh báo chướng ngại vật từ xa cho lái tàu
nên việc cảnh báo vẫn phụ thuộc vào nhân viên tuần đường và gác chắn
(Ảnh: nhân viên đường sắt chạy ngược đường cảnh báo tàu
sau khi phát hiện ô tô mắc kẹt trên đường sắt)

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Vinh, cho biết: Qua các vụ TNGT có thể thấy rõ, nguyên nhân cơ bản dẫn đến những tai nạn đường sắt đều tới từ các người và các phương tiện cơ giới đường bộ. Nơi xảy ra tai nạn là vị trí đường ngang, điểm giao cắt.

Chỉ tính trên tuyến đường sắt Thống nhất có 277 ga, 1.517 đường ngang (388 đường ngang biển báo, 480 đường ngang cảnh báo tự động, 649 đường ngang có người gác). Nhiều đường ngang chưa được trang bị đầy đủ và đồng bộ các thiết bị tín hiệu phòng vệ và cảnh báo, chưa có sự liên khóa các hệ tín hiệu tại các đường ngang nên khi có trở ngại để thực hiện phòng vệ tất cả đều phụ thuộc vào thao tác của người gác chắn.

Để khắc phục những tồn tại trên Công ty CP TTTH ĐS Vinh đã nghiên cứu, lắp đặt thử nghiệm hệ thống radar phát hiện chướng ngại tại đường ngang sử dụng cần chắn chuyên dụng đóng kín, có hỗ trợ quản lý giám sát.

Theo tìm hiểu của PV, ở các nước tiên tiến trên thế giới như Pháp, Đức, Thụy Điển, Nhật Bản... họ đã nghiên cứu và phát triển các hệ thống dò tìm phát hiện chướng ngại vật trên đường ngang từ khoảng 40 năm trước. Như: hệ thống thiết bị 3DLR (3D Laser Radar) do hãng IHI của Nhật Bản sản xuất dùng công nghệ kết hợp tia Laser và sóng Radar theo mô hình 3D đạt tiêu chuẩn SIL4 (đã được đường sắt Italia đưa vào sử dụng từ năm 2015); hệ thống camera xử lý ảnh kỹ thuật số có tính năng phân tích chính xác hình ảnh của chướng ngại vật sản xuất bởi hãng Electrans Tây Ban Nha; hệ thống LOD sử dụng radar quét vi sóng của hãng Mermec Mỹ... Các công nghệ này được áp dụng phổ biến cho các hệ thống điều hành, giám sát giao thông đường bộ, đường sắt, thành phố thông minh trên thế giới... nhằm nâng cao mức độ an toàn cho con người, phương tiện giao thông.

Mô phỏng phương thức hoạt động của Hệ thống radar kết hợp laser phát hiện chướng ngại
tại đường ngang lập tức truyền tín hiệu cảnh báo cho các đoàn tàu

Thử nghiệm công nghệ mới để nâng cao an toàn

Đối với hệ thống nhóm nghiên cứu của Công ty CP TTTH Đường sắt Vinh, áp dụng trên nguyên lý kết hợp khả năng nhận dạng từ xa, xác định cự ly của Radar và ánh sáng Laser để nhận dang vật cản. Sau đó, thông tin được truyền về Hệ thống nhận dạng phát hiện chướng ngại vật thông minh tích hợp radar đa chức năng và camera model YCLD-DJ để phân tích chướng ngại vật trước khi đưa ra tín hiệu cảnh báo.

Công nghệ này còn sử dụng 4 camera lắp đặt tại 4 góc giao cắt của đường ngang để phát hiện chướng ngại vật, theo dõi, giám sát người và phương tiện tham gia giao thông trên khu vực đường ngang, hệ thống camera này được ghi hình liên tục và dữ liệu được xử lý truyền đến đầu máy khi tàu đến gần đường ngang. Trường hợp tàu đến gần đường ngang, nếu phát hiện chướng ngại vật trên đường ngang gây mất an toàn, hệ thống sẽ phát tín hiệu cảnh báo lên đầu máy để tự động dừng tàu đảm bảo an toàn.

Những đường ngang phòng vệ bằng biển báo, còi đèn cảnh báo tự động luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT

Hệ thống này đặc biệt hữu ích khi lắp đặt tại các đường ngang không có gác. Bởi ở những đường ngang này khi xuất hiện những trở ngại như: phương tiện đường bộ trục trặc, hư hỏng trên đường sắt, ý thức của người tham gia giao thông kém dẫn đến việc uy hiếp ATGT... đều chưa có tín hiệu cảnh báo cho người phương tiện giao thông đường sắt. Ngoài việc phát hiện trở ngại vật cản trên đường sắt, hệ thống còn phát hiện các trở ngại về cần chắn, đèn hiệu, nguồn điện lưới... để đưa ra cảnh báo bằng còi đèn trên đài thao tác, cột tín hiệu đường sắt và truyền tín hiệu về trung tâm điều khiển.

Hệ thống đã được nhóm nghiên cứu đề tài xây dựng hoàn thành vào năm 2018 và được lắp đặt thử nghiệm tại đường ngang Km167+500 (lý trình đường sắt). Trong quá trình hoạt động và thử nghiệm, hệ thống hoạt động ổn định, đảm bảo chất lượng. Các thiết bị được lắp đặt chính xác, hoạt động tốt. Hệ thống đã đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí đặt ra của đề tài.

Theo các chuyên gia ngành Giao thông vận tải, hệ thống radar phát hiện chướng ngại tại đường ngang sử dụng cần chắn chuyên dụng đóng kín, có hỗ trợ quản lý giám sát được thực hiện nghiên cứu ứng dụng cho tuyến đường sắt Việt Nam thực sự là thành công trong việc áp dụng công nghệ vào đường sắt Việt Nam nói chung, ngành thông tin tín hiệu nói riêng. Đề tài có ý nghĩa quan trọng về mặt thực tiễn, mang tính xã hội cao trong giai đoạn hiện tại. Nó cung cấp cái nhìn tổng quát về một lĩnh vực mới hỗ trợ cho công tác đảm bảo ATGT trên tuyến đường sắt đặc biệt là tại các giao cắt đường sắt và đường bộ.

"Để ứng dụng này được nhân rộng, ngoài việc bố trí nguồn vốn, rất cần các cơ quan có thẩm quyền cấp phép và xây dựng hướng dẫn, chế tài cho người, phương tiện tham gia giao thông trong phạm vi đường ngang” - ông Hưng cho hay.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)