Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 167/2011/TT-BTC hướng dẫn công tác quản lý tài chính, giao kế hoạch, thanh toán vốn sự nghiệp kinh tế đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thực hiện nhiệm vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.
Theo đó, đối tượng được nhà nước cấp kinh phí quản lý, bảo trì hàng năm là những tài sản thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt Quốc gia do Nhà nước đầu tư và giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, khai thác bao gồm: Hệ thống đường gồm đường sắt chính tuyến, đường sắt trong ga, đường sắt vào bãi hàng hoá, đường sắt xếp dỡ hàng hoá, toa xe và các công trình phụ trợ khác cần thiết phục vụ trực tiếp cho việc tổ chức chạy tàu; Hệ thống thông tin, tín hiệu: Tín hiệu ra, vào ga; Hệ thống kiến trúc gồm nhà khách đợi tàu, nhà bán vé, nhà kho hành lý, kho hàng hoá, quảng trường ga, sân ga...
Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ công ích Nhà nước giao, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các công ty TNHH một thành viên quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt được tận dụng đất đai, cảnh quan, vốn, tài sản Nhà nước do mình quản lý để tổ chức hoạt động kinh doanh theo pháp luật Nhà nước nhưng không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ công ích được Nhà nước giao.
Cũng theo Thông tư, việc quản lý và và sử dụng vốn, tài sản đối với các công ty TNHH một thành viên quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt được thực hiện như sau: Các công ty TNHH một thành viên quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt phải tập trung vốn và nguồn lực để thực hiện việc quản lý, bảo trì hệ thống đường sắt quốc gia. Việc đầu tư vốn ra ngoài công ty TNHH một thành viên quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt; nhượng bán, thanh lý tài sản trực tiếp phục vụ nhiệm vụ công ích của các công ty (tài sản không thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt) do Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết định theo quy định của pháp luật.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các công ty TNHH một thành viên quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt không phải nộp tiền thuê sử dụng đất đối với phần diện tích đất dùng để xây dựng tuyến đường sắt, bao gồm đất nền đường sắt, cầu, cống, kè, tường chắn, hệ thống thoát nước, hệ thống thông tin, tín hiệu, hệ thống cấp điện, phần đất trong hầm đường sắt, toàn bộ đất để xây dựng ga đường sắt, bãi hàng, công trình tác nghiệp đầu máy, toa xe và các công trình phụ trợ khác cần thiết cho việc tổ chức chạy tàu trên tuyến...
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2012.
Chinhphu.vn