Công nghệ giao tiếp giữa xe với xe (Vehicle to vehicle – V2V)
Giao tiếp giữa xe với xe (V2V) là một công nghệ phòng tránh va chạm, dựa vào việc trao đổi thông tin giữa các phương tiện ở gần để cảnh báo người lái về các tình huống nguy hiểm có thể dẫn đến va chạm.
Ví dụ V2V có thể giúp cảnh báo lái xe có một phương tiện phía trước đang phanh và họ cần giảm tốc độ. Hoặc cho người lái xe biết không an toàn khi có một chiếc xe khác mà người lái xe chưa nhìn thấy đang tiến vào giao lộ với tốc độ cao.
Công nghệ giao tiếp giữa xe với xe (V2V) cho phép
các phương tiện trao đổi thông tin với nhau. Ảnh minh họa.
V2V cũng cho phép các xe trao đổi với nhau thông tin về tốc độ, vị trí và hướng đi của chúng. Công nghệ này cho phép các phương tiện phát và nhận thông tin đa hướng (tối đa 10 lần mỗi giây), tạo ra "nhận thức" 360 độ về các phương tiện khác ở gần.
Các phương tiện có thể sử dụng thông báo từ những xe xung quanh để xác định mối đe dọa va chạm tiềm ẩn khi người lái chưa kịp phát hiện.
Sau đó, công nghệ này có thể sử dụng các cảnh báo bằng hình ảnh, xúc giác và âm thanh để cảnh báo lái xe. Những cảnh báo này cho phép lái xe nhận thức được sự nguy hiểm và thực hiện hành động để phòng tránh va chạm.
Xe tự lái – xe tự hành
Xe tự lái hay còn gọi là xe tự hành là loại phương tiện tự lái được trang bị cảm biến, camera, radar, GPS và trí tuệ nhân tạo - AI (Artificial Intelligence) để có thể tự động điều khiển và di chuyển mà không cần sự can thiệp của con người.
Loại xe này có khả năng đọc và phân tích dữ liệu từ môi trường xung quanh để đưa ra quyết định chính xác về tốc độ, hướng đi và tránh các vật cản trong quá trình di chuyển.
Công nghệ xe tự lái được coi là tương lai của giao thông thông minh. Ảnh minh họa
Các hãng sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới như Tesla, Audi, Volkswagen, General Motors đang triển khai sản xuất và thử nghiệm các mô hình xe tự hành với mong muốn loại phương tiện này chính là tương lai của giao thông thông minh.
Các phương tiện tự lái hoạt động dựa trên việc sử dụng các hệ thống cảm biến như camera, radar, lidar, GPS... Dữ liệu thu thập được xử lý AI để nhận dạng tất cả các vật thể như: đèn giao thông, biển báo giao thông, cây cối, lề đường, người đi bộ và các vật thể khác trong môi trường xung quanh, đồng thời, dự đoán hành động tiếp theo của chúng để từ đó phân tích.
Sau đó đưa ra các quyết định điều khiển xe: điều chỉnh tốc độ, phanh, bẻ lái và đỗ xe. Tất cả những thao tác này của hệ thống lái diễn ra rất nhanh chóng, thường chưa đến một giây.
Điều khiển ô tô từ xa
Hệ thống kết nối thông minh ConnectedDrive được BMW phát triển với nhiệm vụ hỗ trợ kết nối giữa người dùng và phương tiện thông qua ứng dụng My BMW được cài đặt trên điện thoại.
Thông qua ứng dụng, người dùng có thể điều khiển xe các thao tác mở và khóa cửa xe, nháy đèn, mở quạt gió trong xe, phát còi xe... Ngoài ra, cũng có thể định vị phương tiện trực tuyến, cài đặt các dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa xe.
Tính năng nổi bật khác của ứng dụng My BMW là chìa khóa kỹ thuật số (BMW Digital Key), cho phép sử dụng điện thoại thông minh hoặc đồng hồ thông minh như chìa khóa chính. Chủ sở hữu có thể chia sẻ Digital Key cho bạn bè và người thân sử dụng (tối đa 5 người).
Nguồn: Báo Giao thông