Theo hãng tin CNN, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang ngày càng trầm trọng trên toàn cầu, điện gió là phương án đầy tiềm năng để khắc phục tình trạng này. Các turbine gió cỡ lớn thường sản xuất nhiều năng lượng hơn những turbine kích thước tiêu chuẩn, nhưng bộ phận của những turbine này quá lớn và không thể vận chuyển bằng đường bộ.
Do đó, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực năng lượng Radia có trụ sở tại bang Colorado, Mỹ đã nảy ra ý tưởng phát triển máy bay lớn nhất trong lịch sử hàng không để vận chuyển những cánh quạt dài tới 90m của turbine tới các trang trại gió.
Hình ảnh đồ họa máy bay WindRunner do công ty Radia cung cấp.
Theo công ty Radia, máy bay WindRunner do hãng nghiên cứu và phát triển sẽ có thể tích khoang chứa hàng lên tới 7.700m3, tương đương thể tích của ba bể bơi tiêu chuẩn Olympic, gấp 12 lần thể tích khoang chứa hàng của máy bay Boeing 747-400.
Ngoài ra, máy bay WindRunner còn có chiều dài sải cánh lên tới gần 80m, tương đương tổng chiều dài của bốn đường băng bowling.
Kích thước của máy bay WindRunner cũng sẽ vượt xa Antonov An-225 - máy bay nặng nhất từng được chế tạo trên thế giới và đã bị phá hủy vào đầu chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Tuy có kích thước lớn như vậy nhưng theo Radia, máy bay WindRunner sẽ được thiết kế để có khả năng hạ cánh tại những đường băng có chiều dài chỉ khoảng 1.800m - điều mà không máy bay thương mại cỡ lớn nào khác có thể thực hiện.
Ngoài ra, nhằm đạt mục tiêu thân thiện với môi trường, máy bay sẽ vận hành bằng nhiên liệu hàng không bền vững.
Quá trình chế tạo chiếc máy bay sẽ dựa trên những công nghệ hiện có và đã được chứng minh về độ an toàn. Theo đó, Radia sẽ sử dụng những vật liệu hàng không, thành phần, công nghệ sản xuất đã được Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cấp chứng nhận, đã được sản xuất hàng loạt và có chỉ số rủi ro thấp nhất nhằm chế tạo máy bay khổng lồ đáp ứng tiêu chuẩn của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ.
Theo một số thông tin đăng tải trên mạng Internet, máy bay WindRunner sẽ đi vào vận hành thương mại trong thời gian sớm nhất vào năm 2027. Tuy nhiên, trang web của Radia chưa đăng tải mốc thời gian sản phẩm của hãng sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Theo Báo Giao thông