Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa ký ban hành Thông tư số 22/2014/TT-BGTVT hướng dẫn xây dựng quy trình vận hành, khai thác bến phà, bến khách ngang sông sử dụng phà một lưỡi chở hành khách và xe ô tô. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/8/2014.
Theo Thông tư, bến sử dụng phà một lưỡi khi tham gia vào hoạt động vận tải chở hành khách và xe ô tô phải đáp ứng các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Giao thông đường bộ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cấp giấy phép hoạt động còn hiệu lực; có quy trình vận hành, khai thác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; chỉ được phép chở hành khách, chở xe ô tô tải có tải trọng dưới 3,5 tấn và chở xe ô tô khách dưới 16 chỗ ngồi.
Bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành, khai thác bến
Thông tư 22/2014/TT-BGTVT cũng quy định rõ, quy trình vận hành, khai thác bến được lập phải phù hợp với quy mô của bến, chủng loại phà một lưỡi, các thiết bị phục vụ hoạt động của bến và mục đích sử dụng của bến; phải bảo đảm an toàn cho hành khách và phương tiện; bảo đảm yêu cầu về phòng chống cháy nổ, cứu đắm, cứu nạn khi xảy ra sự cố và bảo đảm tối đa sự vận hành liên tục của bến.
Nội dung quy trình vận hành, khai thác bến sử dụng phà một một lưỡi phải bao gồm các quy định về tổ chức giao thông, tải trọng khai thác, độ dốc đường lên, xuống phà, tốc độ lên, xuống phà, bố trí làn xe, chỗ chờ xuống phà, chỗ quay đầu xe, trình tự lên phà, xuống phà; trình tự vận hành phà một lưỡi và các thiết bị phục vụ hoạt động của bến phà, thiết bị cứu nạn, cứu sinh, cứu đắm, cấp cứu, các quy định về cứu nạn, cứu sinh, an toàn cháy nổ; quy định về chuyên chở hành khách và phương tiện giao thông đường bộ; quy định về đảm bảo ATGT trong vận hành khai thác bến...
Đảm bảo an toàn đối với người, phương tiện
Thông tư quy định, hàng ngày trước khi đưa phà ra chuyên chở, trưởng ca phải cùng thuyền viên, nhân viên kiểm tra toàn bộ bến bãi, phà, trang bị an toàn; không được chuyên chở nếu xét thấy không đảm bảo an toàn; tuân thủ quy định bàn giao giữa hai ca cho nhau; bố trí đủ nhân viên, thuyền viên; có đủ các dây neo; phà cập thẳng bến và cửa phà mở.
Khi thấy đủ điều kiện an toàn, trưởng ca yêu cầu hành khách ra khỏi xe trước khi xe ô tô xuống phà, sau đó ra hiệu lệnh xuống phà bằng còi, cờ hiệu hoặc bằng tay; trình tự xuống phà theo thứ tự lần lượt: xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ; phải cho lần lượt từng xe xuống phà, bảo đảm quy định cho xe ô tô tiến, lùi xuống phà.
Trường hợp qua sông, khi đảm bảo điều kiện an toàn, trưởng ca quyết định cho phà rời bến để qua sông; phải bố trí người hoa tiêu để đảm bảo tầm nhìn cho thuyền trưởng nếu cần thiết, thông tin liên lạc giữa thuyền trưởng với hoa tiêu phải bằng máy bộ đàm. Khi phà đã rời bến, nếu thấy cần thiết phải điều chỉnh cho phà cân bằng, sắp xếp lại xe, thuyền trưởng phải cho phà cập lại bến, buộc đủ các dây neo và không cho hành khách ở trên phà mới được điều chỉnh.
X.N