Thứ tư, ngày 15/01/2025

Hậu Giang: Giao thông đường thủy - Còn nhiều nỗi lo

Thứ sáu, 29/03/2013 00:00 GMT+7
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm 1 người chết (tăng 100% so với cùng kỳ). Hiện, nhiều bến đò ngang, bến thủy vẫn hoạt động không giấy phép, không đăng ký đăng kiểm hoặc không đủ điều kiện mở bến... Tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy vẫn còn nhiều nỗi lo.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm 1 người chết (tăng 100% so với cùng kỳ). Hiện, nhiều bến đò ngang, bến thủy vẫn hoạt động không giấy phép, không đăng ký đăng kiểm hoặc không đủ điều kiện mở bến... Tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy vẫn còn nhiều nỗi lo.

Lúc 8 giờ, ngày 15/2/2013, trên tuyến sông Nàng Mau, thuộc ấp Thạnh Mỹ C, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, xảy ra một vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng. Anh T., ở ấp Đông An A, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, điều khiển ghe mang biển số HGi-4647, trọng tải 20 tấn (không bằng lái, không chứng chỉ chuyên môn) đi từ hướng ngã tư Nhà Máy Cháy (xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp) hướng ra Cầu Xáng (xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp) do thiếu quan sát nên đã đụng vào phía sau vỏ lãi do anh L. điều khiển, trên vỏ có 6 người, trong đó có một bé trai 5 tuổi. Hậu quả làm bé trai tử vong.

Hậu Giang là tỉnh có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, phương tiện lưu thông đông. Bến đò ngang, bến thủy tự phát cũng ngày càng nhiều nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân. Tuy nhiên, không ít các bến trên thiếu giấy phép.

Bến đò của bà Ngô Thị Lệ, ở ấp 7B1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, hoạt động trên 10 năm nay, nhưng không có giấy đăng ký đăng kiểm, chứng chỉ chuyên môn... Đò của bà dài khoảng 4,5m, ngang khoảng 1,5m, có thể chở khoảng 3 xe gắn máy và 5-6 người. Khi được hỏi về giấy phép đăng ký, bà Lệ trả lời tỉnh bơ: “Tôi đưa đò đã hơn 10 năm nay, thấy không có gì xảy ra, nên cũng yên tâm”.

Còn bến đò của ông Nguyễn Văn Xê, cũng ở ấp 7B1, đã hoạt động khoảng 5 năm. Lúc đầu đưa bằng máy, nay chỉ đưa bằng chèo, nhưng ông Xê cũng không có một tờ giấy lận lưng. Ông tâm sự: “Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên mở bến đò để trang trải cuộc sống. Nhiều năm nay, tôi đưa rất cẩn thận, mỗi lần chỉ vài người nên rất an toàn.

Không chỉ có bến đò ông Xê và bà Lệ không đủ điều kiện đăng ký, không giấy phép nhưng vẫn hoạt động, mà còn rất nhiều bến đò ngang dọc theo kênh xáng Xà No, kênh Lái Hiếu cũng trong tình trạng trên. Theo Sở Giao thông - Vận tải tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 440 bến đò ngang hoạt động bằng máy, bằng chèo, chưa kể là các bến tự phát nhỏ lẻ. Trong đó, có đến 330 bến không đủ điều kiện mở bến nhưng vẫn hoạt động. Cũng theo Sở GTVT, những bến đò thường vi phạm các lỗi: không có giấy phép đăng ký đăng kiểm, không có chứng chỉ chuyên môn, không trang bị hay trang bị không đầy đủ áo phao hoặc phương tiện cứu sinh, đèn, còi…

Đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát gần 160 cuộc. Phát hiện và xử lý trên 350 trường hợp vi phạm, trong đó cảnh cáo, giáo dục trên 250 trường hợp; lập biên bản đình chỉ hoạt động gần 40 trường hợp…

Ngoài ra, nhiều bến thủy trên địa bàn tỉnh hoạt động cũng trong tình trạng đối phó. Các lỗi vi phạm thường là khai thác bến thủy quá hạn vùng nước cho phép, lắp đặt không đúng giới hạn vùng nước bến thủy nội địa hay một số hành vi lấn chiếm lòng sông… Từ đó gây cản trở không nhỏ đến các loại phương tiện lưu thông. Theo ông Nguyễn Thanh Tòng, Chánh thanh tra Sở GTVT, hàng năm, Sở có kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động các phương tiện chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, như tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử phạt, tổ chức giải tỏa các vật cản, treo biển báo… Thế nhưng, ý thức chấp hành của các chủ phương tiện còn kém, lực lượng kiểm tra phát hiện những vi phạm thì chỉ nhắc nhở, xử lý, các chủ phương tiện hứa khắc phục, nhưng vài ngày sau kiểm tra lại thì đâu vẫn còn đó.

Cũng theo ông Tòng, một điều hết sức quan trọng là Hậu Giang vẫn chưa có văn bản chính thức về việc phân luồng, phân tuyến đường thủy; các biển báo vẫn còn thiếu nên phương tiện tham gia lưu thông rất hỗn độn; phương tiện tuần tra, kiểm soát vẫn chưa đảm bảo đủ nên đã ảnh hưởng đến công tác này.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát nhiều hơn; tuyên truyền sâu rộng đến các bến đò ngang, bến thủy và nhân dân chấp hành tốt Luật Giao thông đường thủy nội địa. Đặc biệt, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm về ATGT đường thủy, để tình hình giao thông đường thủy được giữ vững - ông Tòng nói.

Nguồn: Báo Hậu Giang

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)