Thứ hai, ngày 03/02/2025

Những chuyến đò dây hiểm nguy giữa Hà Nội.

Thứ sáu, 20/05/2011 00:00 GMT+7
Những chuyến đò dây tại đây được coi là phương tiện chính của hầu hết dân quanh vùng để đi sang bên kia sông. Bởi lẽ, nếu không đi qua sông thì phải đi đường vòng xa hơn 10 cây số. Phương tiện để chở khách là những chiếc thuyền được làm bằng xi măng, ván thuyền được lấy từ ván quan tài cũ rất thô sơ, cũ kĩ không đủ để đảm bảo sự an toàn cho hành khách qua sông.
Những chuyến đò dây hiểm nguy giữa Hà Nội.
Từ hơn 30 năm nay, những người dân tại xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai ngày nào cũng đi qua sông bằng những chuyến đò dây ẩn chứa đầy sự nguy hiểm.
Hiểm nguy trên những chuyến đò
Những chuyến đò dây tại đây được coi là phương tiện chính của hầu hết dân quanh vùng để đi sang bên kia sông. Bởi lẽ, nếu không đi qua sông thì phải đi đường vòng xa hơn 10 cây số.
Phương tiện để chở khách là những chiếc thuyền được làm bằng xi măng, ván thuyền được lấy từ ván quan tài cũ rất thô sơ, cũ kĩ không đủ để đảm bảo sự an toàn cho hành khách qua sông.
Cứ đợi đủ khách xuống thuyền, chủ đò bắt đầu cuộc hành trình “đánh đu” đưa khách sang bờ bằng cách bám vào sợi dây thừng được buộc trên những cọc nứa cắm dọc lòng sông để kéo. Do cọc nứa cắm lâu không còn vững, nhiều đoạn dây thừng bị nhão, thuyền chở quá tải không ít lần đò dây đã bị lật. Chị Phạm Thị Hồng, một người dân ngày nào cũng phải đi qua chuyến đò dây kể lại, chị đã từng bị lật thuyền rất nhiều lần khi đi qua sông, nhưng may có người nhảy xuống cứu và vớt đồ đạc hộ.
Hàng ngày người dân tại đây luôn phải "đánh đu" trên những chuyến đò dây nguy hiểm
 
Những chiếc cọc nứa và dây thừng không đủ đảm bảo sự an toàn cho người qua sông
 
Thuyền dùng để chở khách hết sức thô sơ, cũ kĩ và không được trang bị bất cứ phương tiện cứu hộ nào.
Không chỉ có những người lớn phải thường xuyên đi lại qua sông, mà còn những em nhỏ, nhiều khi buổi trưa đi học, chủ đò còn đang bận chưa ra kéo đò được, các em phải tự mình kéo đò qua sông để kịp giờ học.
Bác Nguyễn Tiến, cán bộ thôn Thạch Nham, xã Mỹ Hưng cho biết, việc đi lại của người dân nơi đây rất khó khăn, đến mùa cạn, tối đến nhiều người không nhìn rõ đường cứ phi thẳng xe máy xuống, kết quả cả người và xe lao thẳng xuống sông, mọi người trong xóm phải chạy ra giúp đỡ mới kéo được người và xe lên.
Không chỉ có người lớn mà còn có các em nhỏ hàng ngày cũng phải qua sông một cách nguy hiểm.
Mùa khô đã thế, đến mùa lũ, nước tràn về, những chuyến đò dây càng trở nên nguy hiểm, đe dọa tính mạng của người dân mỗi lần phải qua sông. Tuy nhiên, vì công việc họ vẫn phải chấp nhận phó mặc số phận của mình vào những chuyến đò.
Do những chuyến đò dây này đều là "ý tưởng" tự phát của một số hộ dân sinh sống quanh vùng, thế nên họ chỉ làm đến khoảng 5h chiều. Nếu ai đi làm về muộn thì sẽ không có đò để qua sông, lại phải quay ngược lại đi xa hơn 10km mới về được nhà.
Mong có cầu cho bớt khổ
Trời nắng gắt, nhưng nhiều khi chủ đò đợi đủ khách hoặc đang bận việc nên những người đi đò phải đợi có khi hàng tiếng đồng hồ. Nhiều người bận việc gấp cũng đành chịu vì không biết làm cách nào khác để qua sông. Chị Hương, một người dân, bàng hoàng kể lại câu chuyện khi mang thai đến ngày đẻ, trên đường đi bệnh viện phải đi qua đò dây, nhằm đúng lúc chủ đò đi vắng, không có ai chèo đò, chồng chị đành cõng chị xuống thuyền và tự chèo đò sang bên kia sông, ngồi trên thuyền mà chị Hương run cầm cập vì sợ đò lật.
Những người dân này đang phải đợi chủ đò,
có khi đến hàng tiếng đồng hồ.
Đối với những người thường xuyên phải đi lại qua sông thì ước mong có một cây cầu luôn thường trực. Chị Lan, người hàng ngày phải qua lại sông tới chục lần, tâm sự: “Giá có một cây cầu thì tốt quá, đi làm đỡ khổ, mỗi lần sang bờ bên kia không những phải đợi chủ đò mà còn mất tiền đi đò tốn kém lắm”.

Trungna (Theo Bưu Điện Việt Nam)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)