Để chủ động đối phó với thiên tai, cùng với xây dựng phương án phòng, chống lụt, bão, úng (PCLB) và tìm kiếm cứu nạn, ngành giao thông - vận tải (GTVT) đã và đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ duy tu, sửa chữa các tuyến đường bộ, đường thủy theo kế hoạch, đồng thời kiểm tra, rà soát các phương tiện PCLB, tuyến đường để phân luồng giao thông nhằm bảo đảm khi có sự cố xảy ra sẽ đáp ứng yêu cầu PCLB trong thời gian nhanh nhất.
Trong công tác PCLB, nhiệm vụ chủ yếu nhất của ngành giao thông vận tải là bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống khi xảy ra lụt, bão. Vì thế, cùng với việc tích cực, chủ động xây dựng các phương án PCLB, Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) chỉ đạo các cơ quan quản lý đường bộ, đường sông tập trung thực hiện hoàn thành nhiệm vụ quý II trong thời gian sớm nhất, từ đó chủ động hơn về thời gian, nhân lực, phương tiện huy động tham gia PCLB khi có sự cố xảy ra. Sau mỗi trận mưa to, cán bộ, công nhân các hạt giao thông của Đoạn quản lý đường bộ tỉnh, của các huyện lại nhanh chóng tuần đường, kiểm tra hệ thống rãnh thoát nước, mái taluy, khơi thông nước trên mặt, lề đường… Nhờ tập trung cao nhân lực, vật lực để triển khai nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường từ đầu tháng tư nên đến nay các hư hỏng trên công trình giao thông đường bộ cần thực hiện trong quý II đã cơ bản được thực hiện xong, nhất là các công việc liên quan trực tiếp đến công tác PCLB như khơi vét bùn rãnh, xẻ rãnh thoát nước, bạt cỏ lề đường... Để gắn và nâng cao trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên, các hạt giao thông đều phân đoạn, tuyến đường giao cho từng công nhân chịu trách nhiệm chính trong việc phát hiện những hư hỏng, sự cố đối với chất lượng đường cũng như thực hiện nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Trên các tuyến đường sông, Đoạn quản lý đường sông đã hoàn thành việc sơn, sửa, bảo dưỡng hệ thống phao tiêu, biển báo, đồng thời bố trí phao tiêu, biển báo tại 4 vị trí neo đậu tàu thuyền khi có bão, lũ trên các tuyến sông được giao quản lý, đó là: Km 22+300, km 33+500 trên sông Sặt, km 18 trên sông Cửu Yên, ngã ba Tam Đô trên sông Tam Đô. Ông Nguyễn Huy Triều, Giám đốc Đoạn quản lý đường sông cho biết: “Đoạn đã xây dựng lực lượng, chuẩn bị phương tiện, vật tư, xây dựng các phương án đột xuất để đối phó khi có 3 tình huống xảy ra, đó là tìm kiếm cứu nạn, cứu dân; trục vớt phương tiện bị đắm và tổ chức chống va trôi tại các công trình vượt sông. Khi có dự báo bão vào địa bàn, công nhân của đơn vị sẽ thường trực để báo cho chủ phương tiện bố trí neo đậu hoặc đến nơi tránh bão kịp thời để chủ phương tiện có phương án tránh bão hiệu quả nhất, an toàn nhất. Chúng tôi cũng sẵn sàng phương án hỗ trợ chủ phương tiện tháo dỡ bớt hàng lên bờ nhằm giảm tải trọng, hạn chế tình trạng sóng to đánh chìm tàu… Công tác tuyên truyền, phòng ngừa và hỗ trợ chủ phương tiện được đơn vị xác định là những nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản nhất trong công tác PCLB”. Song song với tập trung hoàn thành sớm nhiệm vụ bảo đảm giao thông quý II, để chủ động PCLB trong mùa mưa, bão năm nay, các đơn vị Đoạn quản lý đường bộ, Đoạn quản lý đường sông đã tiến hành kiểm kê, rà soát lại các phương tiện cần thiết nhằm kịp thời sửa chữa những vật dụng hư hỏng, đề nghị cấp trên bổ sung một số vật dụng còn thiếu để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu của công tác PCLB.
Để bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống, cùng với những việc làm trên, ngành GTVT đã tiến hành kiểm tra, rà soát các tuyến đường lên đê sông Hồng, sông Luộc (đường đê 195) để bổ sung cọc tiêu, biển báo hiệu, ưu tiên sửa chữa đường trước mùa bão, lũ, có kế hoạch PCLB giảm nhẹ thiệt hại đến mức thấp nhất. Việc kiểm tra, rà soát còn là cơ sở quan trọng để Sở GTVT xây dựng phương án phân luồng, bảo đảm giao thông tại 29 điểm đi lên đường đê 195 khi có sự cố gây ách tắc. Tại mỗi điểm đi lên đường đê 195, phương án phân luồng đề cập chi tiết về đặc điểm của điểm giao cắt, hướng đi của các phương tiện có thể đi lên đê ứng cứu thuận lợi nhất. Mặt khác, Sở GTVT phối hợp với các ngành, huyện, thành phố thống kê, nắm chắc các phương tiện giao thông, phương tiện vận tải của các ngành, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân phục vụ công tác PCLB, có phương án để huy động kịp thời khi cần và trực tiếp chỉ huy việc điều động các phương tiện thực hiện nhiệm vụ PCLB. Thanh tra Sở GTVT tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm giao thông tại các công trình đang thi công, kịp thời chấn chỉnh và yêu cầu các đơn vị thi công có phương án bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại những vị trí đang đào nền đường, đang trải cát nền đường hay để thùng vùng trên đường đang thi công… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông tại các bến khách ngang sông trước mùa mưa, lũ, xử lý nghiêm những chủ bến, chủ phương tiện, phương tiện không đủ điều kiện hoạt động.
Cùng với những nỗ lực trong công tác bảo đảm giao thông đường bộ, đường sông mùa mưa bão của ngành GTVT rất cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp chính quyền và nhân dân. Đáng chú ý nhất là vật tư dự trữ để huy động vào việc xử lý sự cố trên đường bộ của ngành chưa được trang bị; việc xử lý, thanh thải bèo rác, vật cản trên đường sông chưa đáp ứng yêu cầu. Theo Đoạn quản lý đường sông, đến hết tháng 5 đơn vị đã cơ bản hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc theo kế hoạch của quý II, trong đó đã phá được hơn 2.000 m3 bèo, rác trên các tuyến sông Cửu Yên và sông Tranh. Tuy nhiên, khối lượng đó mới được khoảng 20% so với yêu cầu thực tế. Thời điểm này bèo, rác trên các tuyến sông tiếp tục dồn về chân các cây cầu, một số nơi mực nước sông thấp không thể phá được, điều quan trọng hơn là không có kinh phí để phá bèo, rác. Điển hình trên sông Cửu Yên bèo, rác đang dồn từ Từ Hồ - Sài Thị về chân cầu Ngàng ngày càng dày đặc. Còn trên đường bộ, do chưa được bố trí kinh phí để mua vật tư dự trữ, Đoạn quản lý đường bộ buộc phải lên kế hoạch mua ứng trước vật tư phục vụ công tác sửa chữa thường xuyên của quý III, đề phòng khi có sự cố xảy ra có thể huy động để xử lý được kịp thời. Song lượng vật tư này không nhiều và khó chủ động khi có sự cố xảy ra. Trong khi đó, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông, đào rãnh qua đường để bơm nước; rác thải tập kết bên lề đường gây ách tắc dòng chảy khi có mưa… chưa được giải quyết triệt để. Khắc phục tình trạng này, mong rằng chính quyền các địa phương cần phối hợp tích cực hơn nữa với ngành giao thông – vận tải trong việc phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ các công trình giao thông, góp phần giữ cho các tuyến đường an toàn, thông suốt trong mùa mưa, lũ.
Trungna (theo baohungyen)