Thứ bảy, ngày 18/01/2025

Kiểm soát tai nạn hàng hải vẫn ngoài tầm với

Thứ năm, 14/07/2011 00:00 GMT+7
Số vụ tai nạn hàng hải tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm 2011 đang khiến các nhà quản lý chuyên ngành hàng hải “đứng ngồi không yên” bởi mùa mưa bão mới chỉ bắt đầu.
Số vụ tai nạn hàng hải tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm 2011 đang khiến các nhà quản lý chuyên ngành hàng hải “đứng ngồi không yên” bởi mùa mưa bão mới chỉ bắt đầu.

Tai nạn tăng gấp 3 so với cùng kỳ năm ngoái

Thống kê của Cục HHVN cho thấy, 6 tháng đầu năm 2011 cả nước đã xảy ra 33 vụ tai nạn, tăng 22 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, có 17 vụ đâm va, 9 vụ va chạm, 3 vụ mắc cạn và 4 vụ chìm đắm.

Ông Võ Duy Thắng - Trưởng phòng An toàn hàng hải (ATHH), Cục HHVN cho biết, trong số 33 vụ tai nạn xảy ra 6 tháng đầu năm, có 2 vụ đặc biệt nghiêm trọng đều xảy ra trong tháng 4 là vụ đâm va giữa tàu Bình Minh 28 và tàu Phúc Hải 5 (làm 3 người chết, 2 người mất tích) và vụ tàu Vĩnh An 09 bị nghiêng, lật chìm tại cầu cảng số 7 cảng Cái Lân.

Cũng theo ông Thắng, nguyên nhân các tai nạn hàng hải xảy ra 6 tháng đầu năm nay chủ yếu là do sỹ quan, thuyền viên của tàu bị nạn còn hạn chế về trình độ, thiếu kinh nghiệm trong việc sắp xếp hàng hoá, chưa làm tốt công tác duy tu bảo dưỡng máy móc trang thiết bị, chưa chú trọng công tác huấn luyện thực tập thường xuyên, thiếu sự tuân thủ đầy đủ các quy định về hành hải như cảnh giới, tốc độ an toàn, tác nghiệp tránh va trong luồng hẹp, đèn hiệu... nhất là thuyền viên của các phương tiện thủy nội địa.

Đáng nói hơn, theo ông Thắng, có tới 14/33 vụ tai nạn liên quan đến hoa tiêu hàng hải trong quá trình dẫn tàu. Ông Thắng khẳng định, lỗi của các hoa tiêu chủ yếu là do chưa tuân thủ những quy định, nội quy cảng biển, dẫn tàu chạy quá tốc độ, khi dẫn tàu trong điều kiện tầm nhìn xa bị hạn chế; chủ quan chưa tính toán được hết các ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khi điều động tàu ra vào cầu; chưa mẫn cán làm hết trách nhiệm, nghĩa vụ của hoa tiêu trong quá trình dẫn tàu.

Ông Thắng cũng cho rằng, việc nhiều chủ tàu chưa làm tốt việc cung cấp cho tàu các tài liệu bắt buộc phải có theo quy định; chưa chú trọng đến việc trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn hàng hải.

Một số chủ tàu (Công ty TNHH) đã bố trí thuyền bộ thực tế trên tàu không phù hợp với các chức danh theo quy định, có trường hợp dùng bằng cấp, Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của người khác để đăng ký, làm thủ tục rời cảng. Các phương tiện thủy nội địa không được trang bị các thiết bị an toàn như VHF, Radar dẫn đến khó khăn khi điều động tránh va.

Không để phương tiện không đảm bảo điều kiện ATHH rời cảng

Cần phải nói rằng, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn kể trên đối với những người làm công tác an toàn hàng hải đều là những nguyên nhân không mới. Những rõ nguyên nhân gây tai nạn là một chuyện còn kiểm soát nó lại là chuyện khác. Bằng chứng là những vụ tai nạn vẫn cứ xảy ra bất chấp những nỗ lực của những người làm công tác quản lý chuyên ngành.

Từ nay đến cuối năm, để hạn chế tai nạn hàng hải, Cục HHVN sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát tàu biển Việt Nam chạy tuyến nội địa, đặc biệt đối với đội tàu có dung tải toàn phần nhỏ hơn 1000 GT; Xử lý nghiêm các vi phạm về chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn giả mạo, các quy định pháp luật về an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường do tàu gây ra theo luật định; Kiên quyết không để các phương tiện không đảm bảo các điều kiện về an toàn hàng hải rời cảng biển.

Cùng với đó, Cục sẽ yêu cầu các Công ty hoa tiêu tăng cường công tác kỷ luật, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của hoa tiêu trong quá trình dẫn tàu, chấp hành tốt quy định, nội quy cảng biển và pháp luật hàng hải hiện hành, cũng như trau dồi kinh nghiệm để kịp thời xử lý, điều động tàu có hiệu quả an toàn.

Huyenhs(Theo baomoi.com)
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)