Phía sau nụ cười luôn thường trực của đội ngũ tiếp viên hàng không là những tiêu chuẩn khắt khe và rất nhiều quy định nghiêm ngặt về an toàn bay mà họ phải tuân thủ. Họ được tập huấn về tất cả các tình huống, sự cố có thể xảy ra trong quá trình bay cho dù nhiều điều được học trong cả đời "hành nghề" không phải dùng tới. Để có một chuyến bay an toàn, cần đến rất nhiều công việc chuẩn bị mà không phải ai cũng biết.
Ưu tiên hàng đầu là an toàn!
Giữa TP Hồ Chí Minh sôi động, tấp nập, nằm ngay cạnh sân bay Tân Sơn Nhất, Trung tâm Huấn luyện bay thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ở trong một khuôn viên khá tĩnh lặng, thoáng đãng. Với 20 phòng học lý thuyết và 15 phòng học chuyên dụng, trung tâm được trang bị tương đối đầy đủ các phương tiện mô phỏng những loại máy bay Vietnam Airlines đang sử dụng. Hầu hết tiếp viên và phi công hiện nay của Vietnam Airlines đều qua các khóa đào tạo tại đây. “Tiếp viên trước khi bắt đầu làm việc trên các chuyến bay sẽ qua khóa đào tạo 4 tháng, hằng năm, họ còn phải vượt qua các kỳ kiểm tra bắt buộc tại trung tâm, còn với phi công, ngoài 6 tháng học tại đây còn phải qua những chương trình dài hạn ở nước ngoài nữa”, chị Bùi Ngọc Hà cho biết.
Trong buổi giới thiệu về huấn luyện an toàn bay, câu hỏi đầu tiên mà giảng viên Nguyễn Thị Mỹ Phương, cũng là một tiếp viên lâu năm trong nghề, đặt ra với chúng tôi là “Tại sao lúc máy bay cất và hạ cánh, tiếp viên đều yêu cầu hành khách dựng thẳng lưng ghế, gập bàn ăn trước mặt”. “Yêu cầu đó không phải do tiếp viên tự đặt ra mà đều nằm trong quy trình bảo đảm an toàn bay, bởi nếu máy bay gặp sự cố, hành khách sẽ không bị vướng víu khi muốn thoát ra ngoài”, chị Mỹ Phương giải thích. Cũng theo chị thì có những quy định dù rất nhỏ nhưng nếu hành khách không hợp tác có thể ảnh hưởng đến an toàn của chuyến bay: “Ví dụ như rất nhiều hành khách đi máy bay hiện nay không chịu tắt điện thoại di động dù đã được yêu cầu. Các bạn có biết rằng sóng từ trường của điện thoại có thể làm nhiễu liên lạc giữa phi cơ và mặt đất, gây ra sự cố cho máy bay”?
Ưu tiên hàng đầu của tiếp viên khi làm việc chính là an toàn của chuyến bay và hành khách. Vì vậy, có những quy định người tiếp viên phải thực hiện dù thường gặp phản ứng từ khách hàng. Chị kể, có trường hợp hãng không thể bố trí hành khách vì ghế ngồi của máy bay bị mất hoặc hỏng áo phao nhưng chưa bổ sung kịp. Vì quy định an toàn này, Vietnam Airlines đã từng bị thiệt hại rất nhiều do nạn... lấy cắp áo phao trên máy bay. Gần 20 năm trong nghề, theo nhận xét của chị Mỹ Phương, thì ý thức của hành khách ngày một nâng lên. "Thế nhưng, vẫn còn những trò đùa vô ý như dọa có bom, gây thiệt hại khôn lường cho ngành hàng không. Chúng tôi đang có những lớp tập huấn cho trẻ em với mong muốn thế hệ sau sẽ không còn những hiện tượng như vậy”, chị Phương tâm sự.
Ốc vít trên máy bay cũng có giá cả trăm USD
Theo ông Mai Tuấn Anh, Giám đốc ngoại trường Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay (VAECO), sở dĩ thiết bị, phụ tùng phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy bay đắt như vậy là do quy định khắt khe của an toàn hàng không. “Tất cả vật tư chúng tôi sử dụng đều phải được cấp chứng chỉ với yêu cầu tuyệt đối về chất lượng”, ông Mai Tuấn Anh cho biết. Trong kho vật tư của VAECO, nhiệt độ, độ ẩm luôn bảo đảm ở mức tiêu chuẩn. Với hơn 20 nghìn mặt hàng ở đây, thiết bị rẻ nhất như ốc vít cũng có giá cả trăm USD, còn những thiết bị giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn USD không phải là hiếm.
Tham quan một quy trình bảo dưỡng thông thường như thay lốp máy bay, chúng tôi cũng có thể thấy sự cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Rất nhiều công đoạn phải trải qua, từ tháo rời, tẩy rửa, dò qua thiết bị siêu âm đến thay thế, kiểm tra áp suất trong vòng 12 đến 24 tiếng, sau đó mới đưa vào sử dụng. “Khi máy bay vận hành không có chỗ cho sai sót, vì thế các công đoạn theo quy trình nhà chức trách hàng không đưa ra phải được tuân thủ”, ông Đào Ngọc Khê, Phó giám đốc Trung tâm bảo dưỡng thiết bị và động cơ của VAECO chia sẻ. Vừa qua, VAECO đã được cấp Chứng chỉ FAR 145 của Cục Hàng không Liên bang Mỹ sau khi thỏa mãn các yêu cầu nghiêm ngặt. Chứng chỉ này mở đường cho VAECO thực hiện những khâu bảo dưỡng cuối cùng cho đối tác cũng như phát triển hơn nữa lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng máy bay.
QĐND