Thực hiện Công điện số 2358/CĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 458/UBATGTQG-KH ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về bảo đảm trật tự an toàn giao thông Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân Tân Mão năm 2011; Ngày 06 tháng 01 năm 2011, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo, đôn đốc bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân Tân Mão năm 2011 trong ngành giao thông vận tải như sau:
I. Mục đích yêu cầu
Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục quản lý chuyên ngành, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, Giám đốc các Sở GTVT căn cứ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình phải quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 2358/CĐ-TTg thuộc trách nhiệm của ngành giao thông vận tải, cụ thể là các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Các ngành vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy và hàng không phải tăng cường năng lực vận tải đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp trước và sau tết;
2. Chủ động chuẩn bị phương án dự phòng, phương tiện cứu trợ, cứu nạn để phối hợp giải tỏa nhanh chóng, kịp thời khắc phục hậu quả khi có ùn tắc giao thông hoặc tai nạn xảy ra, đặc biệt trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt trọng điểm có lưu lượng vận chuyển cao;
3. Tăng cường tối đa hoạt động đôn đốc, kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành của các cấp đối với việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc các lĩnh vực GTVT trọng yếu sau:
- Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo đảm an ninh, phòng chống khủng bố trong hoạt động vận tải khách công cộng đường bộ, đường thủy, đường sắt và hàng không;
- Công tác bảo đảm TTATGT trong quản lý phương tiện, người lái chú trọng các giải pháp phòng chống sử dụng rượu bia, ma tuy đối với lái xe; đưa xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trưởng chở khách;
- Công tác bảo đảm TTATGT đối với kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, thuận lợi; các giải pháp tình thế phòng chống TNGT giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng yếu, các địa bàn đèo dốc, nguy hiểm khi lưu lượng giao thông tăng cao;
- Công tác chỉ đạo xử lý kịp thời và nghiêm minh các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây TNGT và nguy cơ gây mất trật an toàn giao thông;
- Duy trì sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các lực lượng chức năng trong công tác tuần tra, kiểm soát và bảo đảm TTATGT.
4. Tập trung chỉ đạo quyết liệt để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông, phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trong dịp tết Tân Mão và các lễ hội sau tết so với Tết Canh Dần và cùng kỳ năm 2010.
II. Các nội dung trọng tâm trong công tác chỉ đạo, đôn đốc
1. Chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải:
- Đối với đường bộ: đôn đốc bộ phận thường trực được phân công chỉ đạo phục vụ vận chuyển hành khách trên địa bàn trong việc triển khai thực hiện và giám sát các đơn vị có liên quan thực hiện các kế hoạch, giải pháp bảo đảm ATGT trong hoạt động vận tải đã đề ra.
+ Đôn đốc thực hiện các kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn trong việc thực hiện các giải pháp, phương án bảo đảm an toàn vận tải như: biểu đồ chạy xe tăng cường dịp tết, chống các hành vi vận chuyển quá số người quy định, lái xe quá số giờ quy định gây tình trạng mệt mỏi, phóng nhanh vượt ẩu tranh giành khách, đưa phương tiện không đủ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ra chở khách.
+ Các biện pháp chủ động và phối hợp với các cơ quan chức năng ổn định an ninh, trật tự tại các khu vực bến xe, điểm đón, trả khách.
- Đối với đường sắt: Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các giải pháp tăng cường bảo đảm trật tự an ninh ở các nhà ga, tổ chức bán vé cho người đi tầu; việc tổ chức quán triệt đến các trưởng tàu, lái tàu chấp hành các quy định về tốc độ chạy tàu và không được phép sử dụng rượu bia trong suốt thời gian hành trình chạy tàu đồng thời chỉ đạo lực lượng bảo vệ trên tàu thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an ninh trên tàu.
- Đối với đường thuỷ nội địa: đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm tra hoạt động của các bến khách ngang sông; việc xử lý các hành vi vi phạm như: bến hoạt động trái phép; đò ngang chưa đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đủ phao cứu sinh; người lái không có bằng, chứng chỉ chuyên môn…; công tác phối hợp với chính quyền địa phương cử cán bộ trực hướng dẫn và giám sát an toàn giao thông tại các bến khách ngang sông có mật độ khách cao, địa bàn phức tạp.
- Kiên quyết đình chỉ hoạt động những phương tiện vận tải không bảo đảm an toàn, trước hết là ô tô, tàu, thuyền chở khách.
2. Chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông:
- Đôn đốc đẩy nhanh việc duy tu, sửa chữa mặt đường, chỉnh trang hệ thống biển báo hiệu, vạch kẻ đường, củng cố cọc tiêu, biển báo, hộ lan...,
- Đôn đốc các Tổ công tác bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm thường xuyên duy trì việc ứng trực, tuần đường để xử lý kịp thời những yếu tố gây mất ATGT liên quan đến tình trạng của cầu, đường; các kế hoạch chuẩn bị phương án dự phòng các thiết bị, phương tiện cần thiết để sẵn sàng tham gia giải quyết các tình huống phát sinh.
- Đôn đốc, kiểm tra việc chỉ đạo thực hiện các giải pháp ATGT trên các công trường thi công trên đường bộ đang khai thác; các phương án bảo đảm ATGT của nhà thầu thi công tại từng khu vực thi công trong suốt thời gian nghỉ Tết; kiểm tra thực tế tại một số khu vực thi công trọng điểm có nguy cơ xảy ra TNGT, ùn tắc giao thông.
3. Đôn đốc, kiểm tra công tác của lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
- Đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thanh tra trong việc triển khai thực hiện các phương án, kế hoạch đã đề ra về tăng cường việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong dịp Tết và mùa lễ, hội
- Đôn đốc, kiểm tra sự xuất hiện và hoạt động của lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại các khu vực đầu mối giao thông và các địa điểm nóng như: Bến tàu, bến xe, doanh nghiệp vận tải, nhà ga, trên đường bộ; an ninh, trật tự trên phương tiện để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về vận tải và an toàn giao thông.
- Công tác phối hợp với các lực lượng chức năng khác tham gia công tác bảo đảm TTATGT trên đường bộ tổ chức, điều khiển giao thông, chỉ huy giao thông khi có ùn tắc, sự cố gây mất ATGT; đôn đốc hoạt động phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, chính quyền địa phương…,thực hiện kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trên các tuyến Quốc lộ trọng điểm; các đầu mối giao thông như nhà ga, bến tàu, nến xe, bến thủy địa, các điểm dừng, đón trả khách trên đường.
3. Các giai đoạn chỉ đạo, đôn đốc:
- Giai đoạn 1: Chỉ đạo, đôn đốc theo ngành dọc đối với các đơn vị trực thuộc, các đối tượng chịu sự quản lý Nhà nước về chuyên ngành trên địa bàn trong việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp Trung ương và địa phương trong phạm vi quản lý.
- Giai đoạn 2: Đôn đốc, kiểm tra tình hình thực tế trên phạm vi địa bàn quản lý và tại địa phương theo thẩm quyền. kiến nghị xử lý kịp thời những tình huống có nguy cơ không bảo đảm TTATGT.
- Giai đoạn 3: Báo cáo, đánh giá, đề xuất theo quy định.
ĐTH