Nhiều cái “vướng” cần được tháo gỡ
Bắt đầu từ ngày 20-5 tới, Nghị định 34/2010/NĐ-CP có hiệu lực. Nhiều thay đổi từ việc xử lý cũng như trong mức xử phạt sẽ được coi như là một “phương thuốc” hữu hiệu nhằm đảm bảo TTATGT. Tuy nhiên, người dân và cả một số cơ quan chức năng trong đó có CSGT cũng đang gặp nhiều băn khoăn về một số quy định xử phạt của Nghị định 34.
|
Việc xử phạt đối với người đi bộ vi phạm Luật Giao thông của CSGT sẽ gặp không ít khó khăn
|
Khó xử phạt người đi bộ
Điểm chung nhất của NĐ 34 đó là hầu hết trong các lỗi vi phạm Luật Giao thông mức xử phạt đều đã được tăng cao so với NĐ 146 trước đây. Bên cạnh đó, một trong những hành vi cần phải được giáo dục và xử lý nghiêm đó là người đi bộ vi phạm Luật Giao thông, làm ảnh hưởng đến TTATGT. Theo quy định cụ thể tại điều 12 về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc về giao thông đường bộ có nêu rõ: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 40.000-60.000 đồng đối với các lỗi vi phạm đi không đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn có thể phạt tiền ở mức cao nhất lên đến 120.000 đồng đối với những trường hợp người đi bộ đi vào đường cao tốc (trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc). Riêng ở khu vực nội thành của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mức xử phạt này sẽ được tăng nặng từ 60.000-80.000 đồng (mức chung ở các nơi khác là từ 40.000 - 60.000 đồng). Người đi bộ mang vác cồng kềnh gây cản trở giao thông; vượt qua dải phân cách, đi qua phần đường không đúng nơi quy định; đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy sẽ bị phạt tiền từ 80.000-120.000 đồng (mức phạt chung là từ 60.000-80.000 đồng).
Đại úy Phạm Hùng - Đội trưởng Đội Khám nghiệm điều tra và xử lý TNGT đánh giá, việc áp mức phạt đối với người đi bộ vi phạm Luật Giao thông là rất đúng vì trên thực tế một trong những nguyên nhân dẫn tới TNGT và ùn tắc giao thông cũng thuộc về người đi bộ thiếu ý thức. Mặc dù vậy, việc tiến hành xử phạt người đi bộ của CSGT hiện nay còn gặp không ít khó khăn. Dẫn chứng được Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ - Đội trưởng Đội CSGT số 6 đưa ra đó là, hiện nay hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông trong đó cho cả người đi bộ vẫn chưa được các cấp quan tâm đúng mức.
Nhiều vỉa hè bị đào xới do thi công, phương tiện để ngổn ngang trên vỉa hè và có nơi còn tràn xuống cả lòng đường đã chiếm hết diện tích đi lại của người đi bộ. Tại một số tuyến đường vẫn còn chưa đáp ứng được việc bố trí vị trí hợp lý cho người đi bộ sang đường... do đó việc vi phạm của người đi bộ chắc chắn sẽ rất nhiều. Vi phạm nhiều nhưng việc xử lý cũng còn gặp nhiều khó khăn. Trung tá Nguyễn Văn Tòng - Đội trưởng Đội CSGT số 1 đánh giá: “Tại khu vực quận Hoàn Kiếm là nơi tập trung các phố cổ. Không chỉ vào buổi sáng sớm người dân đi tập thể dục mà hầu như trong ngày đều tấp nập người đi bộ. Tuy nhiên không hẳn ai đi bộ vi phạm Luật Giao thông cũng mang theo tiền hoặc giấy tờ tùy thân trong người. Trong những trường hợp đó thì CSGT cũng không thể xử phạt được vì CSGT không có quyền khám hay bắt giữ người vi phạm”.
Băn khoăn với trẻ em dưới 6 tuổi
Theo quy định tại điểm K, khoản 3, điều 9 của NĐ 34, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện môtô, xe máy chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách (trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi) sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Chiếu theo đúng quy định trên thì trẻ em từ 6 tuổi trở lên, nếu ngồi trên xe máy mà không đội mũ bảo hiểm thì người lớn sẽ bị phạt. Tuy nhiên cái khó đặt ra đó là CSGT căn cứ vào đâu để xác định độ tuổi của đứa trẻ xem đã đủ 6 tuổi hay chưa?
Việc đánh giá bằng cảm nhận cũng chỉ là tương đối khi chiều cao hay cân nặng của mỗi đứa trẻ là khác nhau. Để không bỏ lọt người vi phạm, có ý kiến cho rằng, CSGT nên căn cứ vào giấy khai sinh. Nếu như vậy thì phụ huynh hoặc người lớn khi chở trẻ em trên mô tô, xe máy phải luôn mang theo giấy khai sinh bên người. Điều này khó khả thi bởi không phải lúc nào phụ huynh hoặc người lớn cũng nhớ và việc mang theo giấy khai sinh của trẻ cũng nảy sinh nhiều bất tiện. Ngoài ra, nếu phụ huynh và người lớn trong trường hợp quên giấy khai sinh thì CSGT sẽ xử lý như thế nào?
Theo quy định khi người vi phạm mắc lỗi vi phạm này thì CSGT không được giữ phương tiện, do đó nếu người vi phạm đề nghị CSGT trông giữ hộ trẻ em để quay về lấy giấy khai sinh thì CSGT sẽ trở thành “bảo mẫu” bất đắc dĩ. Đó là trường hợp nhà người vi phạm gần còn nếu như nhà họ xa thì vài tiếng sau họ mới quay lại. Và cho dù nhà gần hay xa thì cũng quá bất tiện khi CSGT “được” gửi gắm việc trông trẻ trong khi CSGT còn hàng trăm nhiệm vụ khác phải làm như phân luồng, đảm bảo giao thông chống ùn tắc…
Không chỉ có vậy, trong trường hợp nếu các bậc phụ huynh và người lớn có mang theo giấy khai sinh của trẻ em tuy nhiên trong giấy khai sinh không có ảnh. Vậy đâu là căn cứ để xác định giấy khai sinh đó có phải là giấy khai sinh của đứa trẻ hay không. Do đó việc xác định độ tuổi và cách thức xử phạt của CSGT đối với những trường hợp này là tương đối khó khăn. Để NĐ 34 đi vào cuộc sống, góp phần đảm bảo ổn định và giữ gìn TTATGT, các cơ quan chức năng có liên quan cần nhanh chóng hướng dẫn và tạo điều kiện cho cả người dân và lực lượng CSGT thực hiện tốt NĐ 34; tránh vi phạm.
Theo ANTD