Đề án "Xây dựng quy định và tăng cường năng lực của hệ thống cấp cứu tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ" do Bộ Y tế đang tiến hành xây dựng sẽ được triển khai thí điểm ngay trong năm 2010 trên 4 tuyến quốc lộ gồm: Hà Nội - Nghệ An; Hà Nội - Hải Phòng; TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ; Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu và sẽ tiếp tục triển khai trên tất cả các tuyến quốc lộ.
Sơ cứu TNGT: Thiếu và yếu
Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, mỗi năm nước ta có từ 11.000-12.000 trường hợp tử vong do tai nạn, trong đó, TNGT đường bộ là nguyên nhân chủ yếu, chiếm tới 96,5% số vụ, 97,4% số người chết và 98,7% số người bị thương. Một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ tử vong trong TNGT là do nạn nhân không được sơ cấp cứu hoặc sơ cấp cứu không đúng cách trước khi đến bệnh viện. Theo một bác sĩ, nhiều trường hợp bệnh nhân được đưa đến các bệnh viện lớn khi đã rất nguy hiểm đến tính mạng hoặc tử vong một cách đáng tiếc, trong khi có thể hạn chế tối đa nguy hiểm đến tính mạng bằng những thao tác sơ cấp cứu, cầm máu, chống sốc ngay sau tai nạn.
Mỗi năm trên cả nước có tới 50.000 ca bị thương tích vì TNGT cần được sơ cứu. Thực trạng hệ thống sơ, cấp cứu TNGT dọc theo các tuyến quốc lộ ở nước ta còn rất thiếu, năng lực sơ cấp cứu còn yếu, chưa được đầu tư đúng với tầm quan trọng của nó. Theo số liệu thống kê từ Sở Y tế các tỉnh, hầu hết dọc các tuyến quốc lộ đều có trạm y tế địa phương. Tuy nhiên các trạm y tế không phải lúc nào cũng nằm bám mặt đường quốc lộ, khoảng cách giữa các trạm không đồng đều, những đoạn đường đi qua khu vực ít dân cư, nhất là các tuyến đường cao tốc mới mở thì hầu như không có trạm y tế.
Các bệnh viện tuyến dưới cũng có đội cấp cứu cơ động ứng trực khi được điều động. Thế nhưng khi xảy ra tai nạn giao thông trên đường, người bị nạn hoặc người dân không liên lạc được với các đội cấp cứu này vì không biết số điện thoại. Thông thường người bị nạn sẽ được người dân xung quanh hoặc người đi đường đưa đến các trạm y tế hoặc bệnh viện gần nhất. Trong khi đó, số lượng nhân viên tại các trạm y tế lại quá ít, trung bình chỉ có từ 4-6 người/trạm với trình độ cấp cứu tai nạn, cấp cứu chấn thương còn hạn chế, trang thiết bị y tế yếu kém chỉ có thể sơ cứu cho bệnh nhân và chuyển tuyến trên.
Để có những chuyển biến
Nước ta có mạng lưới đường bộ dài 221.000km. Theo tính toán, việc nâng cao năng lực hệ thống cấp cứu TNGT dọc các tuyến đường nhằm cấp cứu kịp thời và đúng cách các trường hợp nạn nhân TNGT có nguy cơ tử vong cao có thể giảm được 10% số người bị chết do TNGT. Chính vì vậy, Đề án "Xây dựng quy định và tăng cường năng lực của hệ thống cấp cứu TNGT đường bộ" đã được Bộ Y tế xây dựng từ năm 2008, dự kiến sẽ triển khai thí điểm ngay trong năm nay.
Đề án ra đời nhằm mục tiêu xây dựng, bổ sung và củng cố hệ thống cấp cứu tại các tuyến, đủ khả năng đáp ứng tốt với cấp cứu tai nạn thương tích nói chung và TNGT nói riêng nhằm giảm tỷ lệ tử vong, giảm di chứng với cấp cứu hàng loạt và tiến tới đạt mức chuẩn so với các quốc gia trong khu vực. Để đạt được điều này, các Bộ sẽ xây dựng hệ thống các trạm cấp cứu TNGT dọc trên các tuyến quốc lộ đảm bảo tiếp nhận và cấp cứu ban đầu TNGT.
Mục tiêu là từ năm 2015-2020, sẽ xây dựng được hệ thống cấp cứu đủ năng lực, đáp ứng một cách chuyên nghiệp, hiệu quả và nhanh nhất với các loại tai nạn; tổ chức được hệ thống điều hành cấp cứu khi có tai nạn xảy ra, đặc biệt trong những trường hợp thảm họa, tai nạn giao thông có nhiều nạn nhân. Theo đó, dự kiến các trạm cấp cứu nằm dọc trên các tuyến quốc lộ, khoảng cách các trạm từ 5-6 km, nằm cách đường quốc lộ không quá 1 km... Đồng thời có biển báo và đèn hiệu, biển báo chỉ dẫn đảm bảo ở khoảng cách 2-2,5 km để người dân có thể nhìn thấy dễ dàng, kể cả ban đêm.
Việc thực hiện đề án cũng đặt ra vấn đề về nhân lực, bởi không dễ để bố trí một lực lượng cán bộ y tế chỉ để trực chốt, cấp cứu TNGT. Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, việc sơ cứu ban đầu nếu có nhân viên y tế thì là điều tốt nhưng không nhất thiết hoàn toàn phải là cán bộ y tế. Việc cấp cứu quan trọng là phải kịp thời và đúng cách nên có thể tổ chức đội ngũ cộng tác viên là các lực lượng luôn có mặt trên đường như Cảnh sát giao thông, “xe ôm”, lái xe taxi hay người dân sống ven đường... Vấn đề quan trọng là phải trang bị kiến thức, kỹ năng cho họ.
Về trang thiết bị cấp cứu ban đầu, trong vòng 15 km tối thiểu sẽ phải có 1 xe cứu thương phục vụ cho ít nhất 3 trạm cấp cứu. Trung tâm cấp cứu của tỉnh hoặc tương đương có nhiệm vụ điều hành đội xe cấp cứu, đảm bảo 10-15 phút sau khi được thông báo tai nạn có thể tiếp cận nơi xảy ra tai nạn, tổ chức cấp cứu ban đầu tại hiện trường và vận chuyển cấp cứu người bị nạn đến các cơ sở y tế an toàn.
Theo ANTD