Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông được triển khai từ ngày 20-5, đến nay tròn một tháng. Xét tổng thể trên phạm vi toàn quốc, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân đã có chuyển biến rõ rệt, tại hai đô thị đặc biệt Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ùn tắc giao thông cũng giảm.
Trên đường, nhất là ở hai thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, có thể thấy rõ việc dừng, đỗ xe theo quy định, đi đúng làn đường, đội mũ bảo hiểm, chấp hành đèn tín hiệu,... khi tham gia giao thông đã được người dân chấp hành nghiêm chỉnh hơn. Trước khi triển khai Nghị định 34, các cơ quan chức năng đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến người dân những nội dung liên quan, tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội, được người tham gia giao thông tự giác chấp hành. Số vụ vi phạm giao thông giảm, rõ ràng những quy định xử phạt tăng nặng đã có hiệu quả răn đe và tác động đến ý thức người dân. Mặc dù vậy, ở các vùng nông thôn, ngoại thành, ý thức của nhiều người dân còn yếu, những lỗi vi phạm "cơ bản" như không có giấy phép lái xe, chở số người quá quy định, không đội mũ bảo hiểm vẫn diễn ra thường xuyên. Trên những tuyến đường liên huyện, khi đi xe máy, vẫn còn không ít trường hợp... "quên" không đội mũ bảo hiểm.
Xử phạt các trường hợp người đi bộ không đúng quy định áp dụng tại các đô thị đặc biệt đang là một khó khăn cho lực lượng chức năng. Một phần, do người dân chưa có ý thức chấp hành quy định mới, nhưng một phần do hạ tầng phục vụ cho người đi bộ còn yếu và thiếu. Ở Hà Nội, nhiều vỉa hè đang bị đào bới tràn lan để sửa chữa, hoặc chiếm dụng để xe, kinh doanh khiến người đi bộ không còn cách nào khác phải đi xuống lòng đường. Tại một số tuyến, nếu muốn sang đường phải vòng xa cả cây số. Nhiều tuyến đường, ngã tư mới sửa, các cơ quan chức năng vẫn chưa kẻ, vẽ lại vạch sơn khiến cho việc dừng đỗ phương tiện và vi phạm làn đường vẫn xảy ra. Bên cạnh đó, việc bố trí và sắp xếp quá ít, bất hợp lý các điểm dừng đỗ phương tiện cũng ảnh hưởng không nhỏ tới công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ cũng giảm đáng kể, lỗi chạy xe trên vỉa hè giảm gần 60%, ô-tô dừng đỗ, trả khách đã trật tự hơn, phần lớn các loại xe đã đi đúng phần đường.
Còn phải kể tới các trường hợp xe gắn máy chở trẻ em từ 6 đến 14 tuổi không đội mũ bảo hiểm. Với những trường hợp này, cảnh sát giao thông (CSGT) không biết căn cứ vào đâu để xử phạt vì phụ huynh thường không có thói quen mang theo giấy khai sinh của con em bên mình và giấy khai sinh cũng không có ảnh cho nên rất khó xác định. Trong giờ cao điểm, ùn tắc có nguy cơ xảy ra, lực lượng CSGT mỏng phải tập trung điều tiết giao thông, dễ bị bỏ lọt một số vi phạm về giao thông.
Trong dịp nghỉ hè này, học sinh và thanh thiếu niên có nhiều thời gian đi chơi, thường tụ tập nhau đi xe máy, điều khiển xe với tốc độ cao trên đường, lạng lách đánh võng,... dễ dẫn tới tai nạn giao thông. Áp dụng mức phạt tăng nặng được xem là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, xử phạt cao cũng gặp phải "hiệu ứng ngược" là các đối tượng cố tình trây ỳ, hoặc bất hợp tác với CSGT.
Mới đây, một nhóm đối tác hợp tác phát triển quốc tế đã gửi thư chúc mừng tới Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng bày tỏ sự ủng hộ biện pháp của Chính phủ Việt Nam về bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em. Trong đó, đội mũ bảo hiểm chất lượng và đúng cách (kể cả trẻ em) là biện pháp hiệu quả nhất để tránh chấn thương sọ não trong trường hợp tai nạn xảy ra. Việc ban hành Nghị định 34 là một mốc quan trọng, tuy vậy việc thực hiện chính sách cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Bằng quy định xử phạt nghiêm khắc, sẽ làm gia tăng đáng kể số trẻ em đội mũ bảo hiểm và góp phần lớn vào việc bảo vệ tính mạng của con người khi tham gia giao thông. Nhóm chuyên gia quốc tế này cũng nhận định trẻ em dưới sáu tuổi còn chưa được bảo vệ bằng mũ bảo hiểm, kiến nghị nghiên cứu hiệu quả bảo vệ của mũ bảo hiểm đối với trẻ em, mở rộng phạm vi đối tượng đội mũ bảo hiểm vào thời điểm thích hợp nhằm bảo đảm mọi trẻ em đều đội mũ bảo hiểm phù hợp tuổi của mình khi tham gia giao thông.
Tạo điều kiện cho người tham gia giao thông chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ, việc giải tỏa vỉa hè lấn chiếm, xây dựng thêm các cầu vượt, hầm ngầm, kẻ vạch sơn cho người đi bộ qua đường là cần thiết. Lực lượng CSGT sẽ bố trí các ca-mê-ra giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm qua hình ảnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm trên các địa bàn phức tạp.
Cải thiện tình trạng trật tự an toàn giao thông, giảm tai nạn chính là mục đích cao nhất khi Chính phủ ban hành Nghị định 34. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc, các cơ quan chức năng sẽ tập hợp ý kiến các địa phương, báo cáo Bộ Công an ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định thống nhất trong toàn quốc.
Theo NDĐT