Tạp chí Tình thương và Cuộc sống, cơ quan của Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam vừa tổ chức hội thảo “Tiện ích và an toàn giao thông cho người khuyết tật” với sự hỗ trợ của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
Tham dự có đại diện của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, VPTT Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia, các hiệp hội và cơ quan sở ban ngành của Thành phố Hà Nội, đại diện của tổ chức Cứu trợ Người tàn tật Việt Nam (VNAH- Mỹ).
Việt Nam hiện nay có 5,3 triệu người khuyết tật, chiếm tới 6,63% dân số cả nước, trong đó có 1,1 triệu người bị khuyết tật nặng. Năm 2009 với gần 8000 người bị thương (số liệu từ Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia) và 6 tháng đầu năm 2010 có tới 4880 người bị thương. Thêm vào đó là 18.306 vụ va chạm giao thông, làm bị thương 23.200 người. Tất cả đã làm gia tăng thêm số người khuyết tật và tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Đã từ lâu, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan quản lý chuyên ngành luôn quan tâm đến việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải liên quan đến người khuyết tật để tạo điều kiện cho họ hòa nhập với cộng đồng. Ngay trong Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 35/2009/QĐ-TTg ngày 3/3/2009) đã có nội dung phát triển hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật.
Bộ cũng đã xuất bản tuyển tập văn bản pháp luật về giao thông tiếp cận và phát hành tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và tổ chức Hội nghị toàn quốc về nội dung này với mục đích để các cơ quan và tổ chưc liên quan nắm bắt một cách có hệ thống và thực hiện các quy định mới về giao thông tiếp cận.
Luật giao thông đường bộ đã có các quy định về các quy tắc giao thông liên quan đến nội dung tiếp cận cho người khuyết tật (Điều 33). Gần đây nhất, trong nghị định số 34 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã có những quy định cụ thể ví dụ phạt từ 100.000đ đến 200.000đ đối với các hành vi chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho xe lăn của người khuyết tật qua đường tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ.
Hiện nay, người khuyết tật đã được Nhà nước tạo điều kiện trong việc đăng ký, sử dụng các loại phương tiện, cấp đổi giấy phép lái xe. Hầu hết những người khuyết tật đều chấp hành tốt các quy định của Luật giao thông đường bộ khi tham gia giao thông. Từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Phòng cảnh sát giao thông Thành phố Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ và làm thủ tục đăng ký cho 37 trường hợp xe ba bánh cho người khuyết tật, chiếm một phần rất nhỏ so với thực tế số lượng xe ba bánh đang tham gia giao thông trên địa bàn Thành phố. Thực tế đó cho thấy, do điều kiện sức khỏe, điều kiện sống, một số người khuyết tật đã giao xe ba bánh cho các đối tượng không đủ điều kiện để điều khiển tham gia giao thông và vận tải hàng hóa , hành khách , do đó đã gây những khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý nhà nước vể TTATGT như: vi phạm luật giao thông, chở hàng cồng kềnh, quá khổ, gây cản trở , ùn tắc giao thông. Vấn đề này đã được khắc phục phần nào bằng chính sách hỗ trợ thay thế xe công nông ; xe lôi máy, xe cơ giới ba bánh …
Hy vọng rằng, sự ban hành Luật Người Khuyết tật vào ngày 9/7/2010 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 và sự nỗ lực cố gắng của bộ ngành liên quan giao thông tiếp cận sẽ được phát triển mạnh ở Việt Nam và người khuyết tật sẽ có một môi trường giao thông văn minh, thuận tiện để hòa nhập vào cuộc sống./.
LMC, Vụ ATGT