Hội thảo về ATGT đường bộ Châu Á vừa được tổ chức tại Xiêm Riệp, Campuchia từ ngày 3-5 tháng 11 năm 2010. Hội thảo do Hiệp hội An toàn Đường bộ toàn cầu (GRSP) và Ủy ban an toàn đường bộ Quốc gia Campuchia phối hợp tổ chức có sự tham gia của 80 đại biểu đến từ 9 quốc gia Đông Nam Á (Trừ Myanmar, Hàn Quốc, Úc, New Zealand).
Tham dự Hội thảo năm nay ngoài các chuyên gia của GRSP còn có các chuyên gia đến từ Chương trình đánh giá đường bộ toàn cầu (iRAP), Chương trình “Make Roal Safe” của Quỹ FIA, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Tổ chức y tế thế giới (WHO).
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có tới 1,27 triệu người bị chết vì TNGT đường bộ và gần một nửa số đó là những người đi bộ, đi xe đạp và xe máy. Thêm vào đó, tai nạn giao thông đường bộ cũng làm bị thương hàng năm tới 50 triệu người khác mà phần đông lại ở các nước đang phát triển hoặc thu nhập thấp. Và nếu không có các biện pháp hữu hiệu tới năm 2030 sẽ có tới 2,4 triệu người bị chết/năm vì tai nạn giao thông đường bộ.
Mục tiêu chính của hội thảo năm nay là:
- Cùng xây dựng chương trình cho Thập kỷ Hành động ATGT đường bộ toàn cầu (2011-2020);
- Phát triển mạng lưới để hỗ trợ chia sẻ thông tin, các kiến thức và cẩm nang thực hành tốt;
- Cập nhật các chương trình mới nhất tại các quốc gia, khu vực và toàn cầu đến các đại biểu;
- Tổng kết việc thực hiện các sáng kiến trong khu vực, bao gồm chương trình iRAP và các cẩm nang thực hành tốt;
- Nhấn mạnh các vấn đề chính về an toàn đường bộ đối với các nước Châu Á, tập trung vào đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên.
Thực hiện Quyết định 341/QĐ-UBATGTQG ngày 13/10/2010 của Chủ tịch Ủy ban ATGTQG, Việt nam cử 3 đại biểu tham dự Hội thảo bao gồm Lãnh đạo VPTT UBATGT Quốc gia, Vụ ATGT và Cục CSGT Đường bộ Đường sắt (Bộ Công an).
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các bài trình bày về hưởng ứng của Thế giới thực hiện Thập kỷ an toàn đường bộ toàn cầu và các công tác chuẩn bị cho lễ phát động Thập kỷ dự kiến được tổ chức vào ngày 29/5/2011. Hiệp hội GRSP kêu gọi các nước thành viên xây dựng kế hoạch riêng của mình để hưởng ứng lễ phát động này.
Với vị trí nước chủ nhà, Campuchia đã có một bài trình bày về việc xây dựng kế hoạch hành động 5 năm về ATGT đường bộ. Cũng như các nước đang phát triển trên thế giới, trong 5 năm trở lại đây, số vụ TNGT đã tăng khoảng 200% và số người bị chết do TNGT đường bộ gần như tăng gấp đôi. Gần 90% số người bị thương là người đi xe máy, người đi bộ và đi xe đạp. Trong năm 2009, số vụ TNGT gây thiệt hại ước tính 248 triệu USD cho đất nước Campuchia. Trong kế hoạch 5 năm của mình, Campuchia phấn đấu giảm 30% số vụ TNGT đường bộ tới năm 2020.
Các đại biểu đã chia các nhóm thảo luận trên các chủ đề đề cập đến an toàn giao thông đường bộ cho trẻ em và thanh thiếu niên trong Thập kỷ hành động, về cơ sở dữ liệu TNGT đường bộ, về quản lý hiệu quả mạng lưới đường, về xây dựng các tuyến đường an toàn và đánh giá các sáng kiến về ATGT đường bộ trong đó có bài học của Việt Nam về đội MBH.
Đoàn Việt Nam đã có một bài trình bày về dự thảo chiến lược ATGT đường bộ để chuẩn bị cho Thập kỷ hành động ATGT đường bộ toàn cầu, đóng góp ý kiến về việc tăng cường công tác quản lý ATGT, về tháng ATGT năm 2010 với trọng tâm vì sự an toàn của thanh thiếu niên và cộng đồng….
Một vấn đề quan trọng đưa ra tại Hội thảo là việc quản lý môtô, xe gắn máy với kinh nghiệm của Malaysia về phân làn đường riêng cho xe máy. Theo một cuộc điều tra của Malaysia, 3 năm qua, việc phân làn đường dành riêng cho xe môtô và xe gắn máy có thể giúp giảm tới 90% số người bị chết do TNGT tại các làn đường này. Do vậy việc áp dụng tuyến dành riêng cho xe máy đã bắt đầu được tiến hành từ 1/5/2010 tại Bang Putrajava, Malaysia.
Tiếp sau Hội thảo ATGT đường bộ Châu Á là Hội thảo về đánh giá an toàn đường bộ quốc tế iRAP. Sau Malaysia và Việt Nam, chương trình hiện đang được triển khai tiếp ở Philippine và sau đó ở Bănglađét./.
LMC- Vụ ATGT