Thứ sáu, ngày 07/02/2025

Không thụ động chờ đợi

Chủ nhật, 12/07/2009 00:00 GMT+7
Không chỉ Luật Giao thông đường bộ, mà hầu như các luật cần văn bản hướng dẫn chi tiết đều gặp trường hợp tương tự được gọi chung là tình trạng "nợ" nghị định. Nghĩa là luật có hiệu lực rồi, nhưng chậm đi vào cuộc sống do thiếu các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện. Ðối với Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có đặc điểm đáng chú ý là số văn bản hướng dẫn nhiều...
Ngày 1-7, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã bắt đầu có hiệu lực, đánh dấu bước phát triển của hệ thống pháp lý trong lĩnh vực giao thông ngày càng cập nhật với thực tiễn đời sống.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật vẫn chưa được ban hành. Nhân việc này, có hai vấn đề đặt ra cần trao đổi thêm.

Ðừng "nợ" nghị định  quá lâu

Không chỉ Luật Giao thông đường bộ, mà hầu như các luật cần văn bản hướng dẫn chi tiết đều gặp trường hợp tương tự được gọi chung là tình trạng "nợ" nghị định. Nghĩa là luật có hiệu lực rồi, nhưng chậm đi vào cuộc sống do thiếu các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện. Ðối với Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có đặc điểm đáng chú ý là số văn bản hướng dẫn nhiều, tổng số lên đến mười nghị định (Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực cùng ngày chỉ có hai nghị định). Trong đó, nghị định về "chế tài" xử phạt là hết sức quan trọng, song thường phải chờ một số quy định trong nghị định về "nội dung". Ðây là một trong những lý do dẫn đến sự chậm trễ. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng  Pháp chế (Bộ Giao thông vận tải) Trịnh Minh Hiền, Nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cùng với nhiều nghị định khác sẽ trình Chính phủ trong tháng 7, nếu được phê duyệt thì ban hành trong tháng 8 và sau 45 ngày bắt đầu có hiệu lực.

Theo chúng tôi, kế hoạch, quy trình xây dựng luật đã được Quốc hội thông báo sớm (từ đầu mỗi khóa Quốc hội) và quy định đủ thời gian để các cơ quan soạn thảo, thẩm định, phê duyệt các nghị định hướng dẫn thực hiện kịp ban hành cùng thời điểm khi luật có hiệu lực. Thí dụ: Dự thảo Luật Giao thông đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ ba giữa năm 2008, nếu theo đúng quy định, thì vào thời điểm ấy dự thảo các nghị định hướng dẫn cũng phải trình kèm theo. Sau khi tiếp thu và chỉnh lý, đến giữa tháng 11-2008, tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội, dự thảo luật được thảo luận và thông qua, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2009. Dù đã có thời gian là một năm để hoàn chỉnh, song tiến độ ban hành các nghị định vẫn bất cập so với quy trình. Các cơ quan có trách nhiệm cần rút kinh nghiệm sớm khắc phục tình trạng "nợ" nghị định, nhất là nợ dây dưa, có khi kéo dài hằng năm. Tất nhiên, phải bảo đảm chất lượng các nghị định, tránh trường hợp bị thúc bách về thời gian, nghị định vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung...

Chủ động tranh thủ thời gian

Ðối với Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), việc "nợ" nghị định gây bất lợi nhất định trong khâu thực hiện. Song nhìn ở góc độ khác, sẽ có thêm thời gian để tuyên truyền, giáo dục và chuẩn bị mọi điều kiện thực hiện Luật và các Nghị định đạt hiệu quả cao hơn. Nói một cách khác, cần tranh thủ thời gian và có hành động cụ thể, thiết thực trong khi chờ đợi sự đồng bộ giữa Luật và Nghị định, không thụ động trông chờ.

Thí dụ, riêng vấn đề liên quan quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với trẻ em sáu tuổi trở lên, có mấy câu hỏi đang đặt ra. Tuy chưa có chế tài xử phạt, song sự nhắc nhở của Cảnh sát giao thông có tác dụng tích cực, việc này duy trì được bao lâu? Trên thị trường đang có không ít loại MBH trẻ em chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng vẫn ngang nhiên bày bán, vì sao chưa thấy cơ quan đăng kiểm và quản lý thị trường có hành động quyết liệt để ngăn chặn? Một số bậc phụ huynh cứ bận tâm chuyện chứng minh con mình trên hoặc dưới sáu tuổi, nên chăng cứ chủ động đội MBH cho các cháu có phải tốt hơn không?

Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến nhiều quy định mới đối với người tham gia giao thông, song rất cần quan tâm các vấn đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Ðây là một bộ phận quan trọng nằm trong phạm vi điều chỉnh của  Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), thường ít được nhắc đến và nêu lên một cách công khai. Ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường bộ nên triển khai tích cực các chương trình, kế hoạch và quy định mới về xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, bảo vệ hành lang đường bộ, tạo nguồn kinh phí bảo trì đường bộ, tổ chức quản lý vận tải, phương tiện và người lái; nâng cao chất lượng công tác tuần tra kiểm soát và rất nhiều quy định khác trong Luật Giao thông đường bộ...
Theo Báo Nhân Dân
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)