Hàng năm, các bến khách ngang sông đã tham gia vận chuyển hàng trăm triệu lượt hành khách đi lại buôn bán, làm việc, học tập, du lịch, lễ hội truyện thống của đất nước cùng hàng chục triệu tấn hàng hóa. Song, đây cũng là hoạt động còn nhiều tồn tại, có nguy cơ tiềm ẩn gây ra những tai nạn giao thông, mang lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhất trên ĐTNĐ.
Thực hiện Quyết định số 190/QĐ-UBATGTQG ngày 30/5/2005 của Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia về việc thành lập Ban Tổ chức Cuộc vận động "Người đi đò mặc áo phao", qua đó đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông, của các chủ phương tiện và các cơ quan quản lý nhà nước về trật tự ATGT ĐTNĐ nhằm giảm thiểu thiệt hại về người khi xảy ra TNGT tại các bến khách ngang sông.
* Những kết quả bước đầu
Sau 4 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “người đi đò mặc áo phao”, với sự hỗ trợ kinh phí của ủy ban ATGT Quốc gia, Ban Tổ chức cuộc vận động và các nhà tài trợ đã cấp phát miễn phí hơn 30.000 áo và cặp phao cho các bến khách ngang sông và học sinh của các trường học ven các sông kênh trên địa bàn gần 30 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó trao được 2.600 cặp phao cho các em học sinh đi học phải qua sông, kênh bằng đò. Nếu tính riêng số áo phao cấp phát cho các bến đò thì số lượng khoảng gần 30.000 chiếc và bình quân mỗi bến là 20 chiếc thì đã có gần 1.500 bến được cấp phát áo phao; với tổng số bến đò trên phạm vi cả nước khoảng gần 2.500 bến thì số bến được cấp phát áo phao chiếm tới 60%.
Qua thực tế, cho thấy các bến khách ngang sông, các trường học được cấp, phát áo phao, cặp phao đều đồng tình với chủ trương và tích cực thực hiện các nội dung của Cuộc vận động. Đến nay, các bến này đều chưa xảy ra TNGT. Qua đó, đã góp phần nâng cao được nhận thức chấp hành của chủ đò và người đi đò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan và các cấp chính quyền địa phương; sự phối kết hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương trong hoạt động của các bến đò. Ngoài ra, cuộc vận động đã mang lại lợi ích thiết thực cho những người dân và đặc biệt là các em học sinh khi tham gia giao thông tại các bến đò. Do đó, Cuộc vận động không những được các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành tham gia mà còn được nhiều tổ chức đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh v.v... từ Trung ương đến các địa phương tham gia, hưởng ứng, đặc biệt là Hội Phụ huynh học sinh của các trường học ven các sông, kênh.
Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu của các bến khách ngang sông trên cả nước. Một số bến đã được phát áo phao nhưng do chưa có sự kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành và chính quyền địa phương các cấp nên một số chủ đò sau khi nhận được áo phao chưa thường xuyên yêu cầu, nhắc nhở người đi đò thực hiện nên chưa phát huy được hết tác dụng. Một tồn tại nữa là, nếu phát áo phao cho các bến phục khách qua lại đại trà sẽ phát sinh các bất cập, đó là: phải phát nhiều cỡ áo khác nhau để cho nhiều cỡ người mặc; khi áo phao bị cũ sẽ nảy sinh khách ngại mặc áo phao, sợ mất vệ sinh; hơn nữa việc bảo quản áo phao của các chủ bến, chủ phương tiện không được chu đáo, sẽ nhanh bị hỏng v.v...Vì vậy, việc tập trung mua cặp áo phao để phát cho các em học sinh phải qua đò là phù hợp, các em coi đó là của các em nên rất giữ gìn; sau đó các em còn truyền lại cho các em nhỏ tiếp theo có thể sử dụng được.
* Cần nâng cao công tác quản lý.
Để hoạt động vận tải khách ngang sông phát huy hiệu quả trong thời gian tới, trước hết cần rà soát tổng thể quy hoạch phát triển giao thông đường bộ, đường thủy nội địa thống nhất giữa các địa phương và trên phạm vi toàn quốc; những vị trí hiện đang tồn tại bến khách ngang sông nếu có điều kiện xây dựng cầu vượt sông thì khẩn trương huy động mọi nguồn vốn sớm hoàn thành để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại; những nơi chưa xây dựng được cầu vượt sông thì cho lập dự án, cấp kinh phí nâng bến và phương tiện chở khách ngang sông để bảo đảm an toàn cho loại hình hoạt động này.
Uỷ ban ATGT Quốc gia và Bộ Giao thông vận tải cần chỉ đạo chính quyền các địa phương tăng cường tổ chức quản lý hoạt động của bến khách ngang sông, nhất là công tác kiểm tra hoạt động và tuyên truyền thực hiện mặc áo phao khi đi đò đối với các chủ bến, chủ phương tiện chở khách ngang sông; đặc biệt là trong các dịp lễ Tết, hoặc ngày lễ hội của địa phương. Hơn thế nữa, các cơ quan chuyên ngành cần sớm nghiên cứu, thiết kế mẫu áo phao, cặp phao tiêu chuẩn, phù hợp với điều kiện thực tế để đưa ra sản xuất hàng loạt cung cấp cho các trường học ven sông và bến khách ngang sông. Trong thời gian tới, cần hỗ trợ kinh phí để tiếp tục thực hiện Cuộc vận động, tập trung vào đối tượng là các em học sinh đi học phải qua đò, tại các bến ngang sông khu vực chưa có điều kiện xây dựng cầu vượt sông.
Với kết quả đã đạt được sau 4 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người đi đò mặc áo phao", trong một tương lai không xa mọi người đi đò sẽ tự giác mặc áo phao như người đi xe máy tự giác đội MBH và thiệt hại do tai nạn giao thông ĐTNĐ gây ra sẽ được kiềm chế./.
Đ.T